Người dân gửi gần 7 triệu tỷ đồng vào ngân hàng

Bảo Ngọc

Tính đến cuối tháng 8/2024, tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng; trong đó, lượng tiền gửi từ dân cư là 6,92 triệu tỷ đồng.

Trung bình mỗi ngày trong tháng 8/2024, có khoảng 2.900 tỷ đồng từ dân được gửi vào ngân hàng.
Trung bình mỗi ngày trong tháng 8/2024, có khoảng 2.900 tỷ đồng từ dân được gửi vào ngân hàng.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Nếu so với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong tháng 8 đã tăng thêm 86.475 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa, bình quân mỗi ngày trong tháng 8/2024 có thêm 2.882 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.

Với nhóm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của đối tượng này tính đến cuối tháng 8 đạt 6,84 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong 3 tháng từ tháng 6-8/2024, tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Như vậy, tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại cuộc họp báo thường kỳ về hoạt động ngân hàng do NHNN tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tổng tiền gửi tính đến cuối tháng 10/2024 ước đạt 14,5 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo gửi đại biểu Quốc hội của NHNN thông tin, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đạt 10,08% - tương đương mức tăng 16,7% so với cùng kỳ và duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 ở mức khoảng 15%. Nếu so sánh với cuối tháng 9, tín dụng đã tăng 1,08% trong tháng 10, tương ứng tăng hơn 146.500 tỷ đồng lên 14,85 triệu tỷ đồng.

Cho vay vượt huy động có thể gây ra áp lực về thanh khoản. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vọt lên 6,1% trong phiên giao dịch đầu tuần trước (4/11), sau đó nhanh chóng hạ nhiệt về cuối tuần và nhờ động thái chủ động hỗ trợ thanh khoản thông qua hoạt động thị trường mở, khi NHNN bơm ròng 65,45 nghìn tỷ đồng.

Khác với biến động lãi suất liên ngân hàng trong thời điểm cuối tháng 10 (chủ yếu là do áp lực tỷ giá), việc lãi suất liên ngân hàng giật mạnh trong thời gian gần đây đến phần nhiều từ việc thiếu hụt thanh khoản cục bộ.

NHNN cho biết mặt bằng lãi suất khó có thể tiếp tục giảm do lãi suất cho vay đã duy trì xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024, hơn nữa, phải đảm bảo các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá.