Vì sao xáo trộn tăng trưởng lợi nhuận ở “Big 3” ngân hàng Việt?
Trái với kỳ vọng của các nhà đầu tư cùng các con số “ước tính” đưa ra trước đó, lợi nhuận mới công bố của bộ ba Vietcombank, VietinBank và BIDV gây nhiều bất ngờ với xáo trộn lớn.
Trong năm 2020, dẫn đầu thị phần huy động lẫn cho vay, tổng thu nhập và tổng tài sản đều lớn nhất hệ thống, song tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cũng như con số lợi nhuận tuyệt đối của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khiêm tốn hơn rất nhiều so với hai thành viên còn lại do gánh nặng chi phí dự phòng.
Tuy nhiên, sang đến nửa đầu năm 2021, câu chuyện về tăng trưởng dường như có sự hoán đổi giữa các ông lớn.
BCTC hợp nhất quý II năm 2021 của BIDV cho thấy, riêng trong quý II/2021, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.726 tỷ đồng, tăng trưởng tới 85,8% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận theo quý cao nhất mà ngân hàng này đạt được kể từ quý 3/2013.
Kết quả này có được là nhờ phần lớn các mảng kinh doanh đều đạt tăng trưởng tốt trong kỳ trong khi chi phí hoạt động được tiết giảm tối đa.
Trong khi đó, tại một “ông lớn” khác là Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), lợi nhuận quý II bất ngờ ghi nhận giảm tới 38% so với cùng kỳ, chỉ ở mức 2.790 tỷ đồng. Con số này thấp hơn so với dự kiến trước đó, khi tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng, lãnh đạo ngân hàng cho biết ước tính lợi nhuận quý II khoảng 5.000 tỷ đồng.
Tương tự, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận quý II của ngân hàng cũng giảm 14,3% so với cùng kỳ, chỉ còn 4.938 tỷ đồng.
Dù vậy, khi nhìn sâu vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của 2 ngân hàng trên, có thể thấy, lợi nhuận quý II giảm không đến từ việc các hoạt động kinh doanh đi xuống.
BCTC của VietinBank cho thấy, trong quý qua, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt tới hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 39,5% đạt 10.878 tỷ, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 23,1% đạt 1.357 tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng tới 481% đạt 1.134 tỷ đồng…
Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 27,6%, lên 4.187 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) trong kỳ của ngân hàng theo đó giảm mạnh từ 32,9% xuống còn 29,7%.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước khi trích lập dự phòng rủi ro của VietinBank ở mức khá cao, đạt 9.896 tỷ đồng, tăng trưởng tới 47,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng bất ngờ giảm tới 38% và thấp hơn nhiều so với con số công bố trước đó là do chi phí trích lập dự phòng tăng vọt tới hơn 3 lần cùng kỳ, lên 7.106 tỷ đồng.
Đại diện ngân hàng cho biết, số tiền được thực hiện trích lập vào cuối quý II/2021 đã vượt trên nhiều so với mức quy định cho cả năm 2021, nhằm gia tăng quỹ dự phòng rủi ro, nâng cao tỷ lệ bao phủ nợ xấu (130%) đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, từ đó tạo sự chủ động thực hiện kế hoạch kinh doanh trước bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tương tự, tại Vietcombank, kết thúc quý II, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đạt 8.163 tỷ đồng, tăng trưởng 7,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí dự phòng tăng mạnh tới 73,8% khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm 14,3% so với cùng kỳ. Việc tiếp tục trích lập dự phòng mạnh cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ngân hàng tiếp tục tăng cao, hiện ở mức khoảng 350%, cao nhất hệ thống.
Cũng cần lưu ý, mặc dù BIDV là ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong 3 ngân hàng nhưng lại là có ngân hàng có nền tham chiếu thấp nhất. Đồng thời, xét về con số tuyệt đối, kết thúc 6 tháng đầu năm, BIDV vẫn đang ghi nhận con số lợi nhuận thấp nhất trong ba ngân hàng với 8.122 tỷ đồng. VietinBank xếp thứ hai với 10.850 tỷ đồng và Vietcombank vẫn đang duy trì ngôi vương trong cuộc đua lợi nhuận với 13.569 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao nhất hệ thống tính đến thời điểm này.
Như vậy, kết quả chính thức công bố có thể khiến cổ đông và nhà đầu tư "ngỡ ngàng" so với những con số ước tính đáng tin cậy đưa ra trước đó. Còn nguyên do của thay đổi và xáo trộn lớn này cho thấy: Chiếc bình gần như thông đáy giữa lợi nhuận với trích lập dự phòng là cơ sở, cũng như phản ánh khẩu vị, ý chí chủ quan của mỗi nhà băng.
Theo đó, lợi nhuận mà mỗi thành viên công bố hiện nay chỉ có thể tương đối. Song, kết quả lợi nhuận từ ý chí chủ quan đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số hiệu quả hoạt động của ngân hàng, lợi ích ngắn hạn của cổ đông và có thể có phản ứng ngắn hạn trên thị trường chứng khoán.