Viễn cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu trước dịch viêm phổi cấp


Giữa tháng 1/2020, bất ổn của nền kinh tế thế giới tưởng chừng được giải tỏa trước thông tin Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm ngưng cuộc chiến về thuế, bỗng chốc tan vỡ do sự bùng phát của bệnh dịch do chủng virus corona mới (nCoV) tại Vũ Hán, Trung Quốc đang ngày càng lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo nhận định của giới chuyên gia, còn quá sớm để đánh giá về các hệ quả của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những con số ước tính về thiệt hại kinh tế mà thế giới có thể phải gánh chịu dù đây chỉ mới là những con số tương đối vì dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng.

Chia sẻ về sự ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi đang bùng phát hiện nay, giáo sư kinh tế Warwick McKibbin (Trường Đại học Quốc gia Australia) cho hay, ảnh hưởng của đại dịch này lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS hồi năm 2003 với ước tính tổn thất lên đến 160 tỷ USD.

Hiện nay, trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, các thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn. Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán. Trong tuần qua, chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới đã giảm rất sâu. Các chuyên gia dự báo, trong tháng 2 này sẽ tiếp tục có những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán và thương mại toàn cầu. Với những diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, nếu được kiểm soát thì phải hết tháng 3 tới tình hình mới có thể ổn định trở lại. 

Các nhà phân tích của Ngân hàng UBS cho rằng nếu như trận dịch này không được kiềm chế nhanh thì chắc chắn nhiều lĩnh vực kinh tế như bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng ở Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả trước tiên và ngay sau đó là thị trường thế giới. 

Hiệp hội Liên minh các ngành nghề du lịch Pháp Umih cũng có cùng quan điểm là hiện tại còn sớm để báo động về tình hình này, tuy nhiên, nếu bệnh dịch kéo dài, tác động kinh tế sẽ là nghiêm trọng, trước hết là đối với ngành khách sạn và kinh doanh đồ xa xỉ. Riêng đối với lĩnh vực hàng xa xỉ, tác động của việc mất khách Trung Quốc là rõ ràng nhất. Theo ngân hàng UBS, khách hàng Trung Quốc mua đến 1/3 đồ xa xỉ toàn cầu hàng năm hiện nay, so với chỉ 10% hồi xảy ra dịch SARS 2003.

Dầu mỏ là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nhất của dịch virus corona mới khi tiêu thụ dầu tại Trung Quốc chiếm gần một phần tư nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm đến mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2019. Dịch corona đã tác động không nhỏ đến giá năng lượng trong suốt 2 tuần vừa qua bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ đợt dịch bệnh này.

Nhiều năm qua, Trung Quốc từng là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ số một thế giới, nhưng giờ đây tại nhiều thành phố, giao thông đình trệ, hàng trăm máy bay không được phép cất cánh. Hãng tin Bloomberg ghi nhận Trung Quốc đã giảm nhập khẩu 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 20% mức tiêu thụ. Đây là mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. 

Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán. Trong tuần qua, chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới đã giảm rất sâu. Các chuyên gia dự báo, trong tháng 2 này sẽ tiếp tục có những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán và thương mại toàn cầu

Các chuyên gia dự báo, kinh tế và thương mại thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp trên các phương diện sau: Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ; Làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội. Hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch và dịch vụ. Bên cạnh dó, dịch bệnh cũng khiến các nhà đầu tư không sẵn sàng các hoạt động đầu tư, trong khi các doanh nghiệp cũng ngần ngại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh khiến cho không thể có được tăng trưởng mới của kinh tế, thương mại và đầu tư trên thế giới.

Bên cạnh đó, mối quan hệ và mức độ hợp tác giữa các đối tác trên thế giới trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư bị ngưng trệ do các doanh nghiệp quyết định ngừng hoạt động kinh tế ở những nơi bị dịch bệnh và chuyển dịch cơ sở sản xuất ra nơi khác... Chẳng hạn như ở Mỹ đã có ý kiến cho rằng đại dịch hiện tại sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc trở về Mỹ, tạo thêm việc làm ở Mỹ. Trong thời gian tới sẽ có sự hỗn loạn nhất định trong các mối quan hệ này với ảnh hưởng rất tiêu cực tới tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới nói chung.

Hiện tại, các thị trường tài chính toàn cầu dường như cũng tỏ ra thận trọng. Theo các nhà kinh tế, Chính phủ các nước cần chia sẻ minh bạch các thông tin liên quan để người dân bớt bất an, đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân trong nửa đầu năm để duy trì xu thế hồi phục kinh tế, lập ngân sách bổ sung, đưa ra các chính sách vực dậy nền kinh tế khi thấy dấu hiệu đi xuống; Đồng thời, cần tăng cường tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tầng lớp thu nhập thấp, lĩnh vực nhà hàng, du lịch...