Phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà về kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường
Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà về kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên vừa được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/11/2022 được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chương trình hành động cũng nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
Chương trình hành động thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và khu vực duyên hải Trung Bộ tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng...
Chương trình đã điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Theo đó, Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giải pháp rõ ràng gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. Đây sẽ là cơ sở và là cơ hội cho vùng Tây Nguyên phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Điển hình như, Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 7 - 7,5%; Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD;
Trong đó, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%; Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%; Đạt 95% tỉ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định...