Việt Nam - Canada tăng cường đối thoại, nâng cao hiệu quả quản lý và xây dựng chính sách tài chính

Gia Hân

Sáng 24/9, Bộ Tài chính hai nước Việt Nam và Canada phối hợp tổ chức “Hội thảo Đối thoại Chính sách Tài chính Việt Nam – Canada năm 2024”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bà Hoàng Thị Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Bà Hoàng Thị Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Truyền thông - Trụ cột quan trọng để quản trị rủi ro thị trường trái phiếu 

 

Tiếp bước theo thành công và hiệu quả của Hội thảo năm 2023, Hội thảo lần 2 năm 2024 sẽ gồm 3 phiên: Phiên 1 (ngày 24/9) với chủ đề là “Quản lý rủi ro và Phát triển bền vững; Trái phiếu xanh”; Phiên 2 (ngày 25/9) với chủ đề “Chính sách Tài khóa”; Phiên 3 (ngày 26/9) với chủ đề “Thị trường vốn, thị trường chứng khoán”.

Theo bà Hoàng Thị Diệu Linh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính Việt Nam) - người chủ trì Phiên 1,  Hội thảo Cơ chế Đối thoại Chính sách Tài chính với Bộ Tài chính Canada lần đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 9/2023. Thông qua Hội thảo, hai Bên đã tăng cường trao đổi thông tin và đã có sự phối hợp chặt chẽ, cùng với sự thúc đẩy của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, đưa quan hệ hợp tác cấp Bộ đi vào chiều sâu; giúp chia sẻ kinh nghiệm và thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xây dựng chính sách tài chính của hai nước.

Trên cơ sở kết quả tốt đẹp đã đạt được từ Hội thảo năm 2023, hai bên tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo Đối thoại chính sách năm 2024 nhằm trao đổi các nội dung quan trọng đối với cả hai nước. “Đây đều là các nội dung mà Bộ Tài chính Việt Nam rất quan tâm và mong muốn Bộ Tài chính Canada chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh thương mại và đầu tư thế giới có nhiều thách thức, đòi hỏi các phản ứng điều hành chính sách chủ động, kịp thời”, bà Hoàng Thị Diệu Linh nhấn mạnh.

Các cán bộ Bộ Tài chính Canada trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Tài chính Việt Nam.
Các cán bộ Bộ Tài chính Canada trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Tài chính Việt Nam.

Lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng, với tinh thần thảo luận cởi mở và xây dựng, Hội thảo sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm hữu ích và sẽ tiếp tục kết nối, thúc đẩy sự trao đổi thông suốt, đóng góp vào việc cụ thể hóa kết quả hợp tác vào các chính sách tài chính của Bộ Tài chính Việt Nam.

Đồng chủ trì Phiên 1, ông Sven Linkruus - Ban Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính Canada cho biết, viễn cảnh của năm 2024-2025 cho thấy hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế vẫn đang bị thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Ông Sven Linkruus cho rằng, hai bên đang gặp rất nhiều thách thức chung, ví dụ như áp dụng những công nghệ mới, thúc đẩy tăng trưởng bền vững... Tất cả những khó khăn, thách thức này đòi hỏi là sự hợp tác và sự chia sẻ, tư vấn tốt nhất giữa hai quốc gia.   

Liên quan đến kinh nghiệm quản lý thị trường trái phiếu, đại diện Bộ Tài chính Canada cho biết, chiến lược thị trường trái phiếu của Canada đều dựa trên thông tin thị trường. Kế hoạch phát triển thị trường đang được thực hiện đúng theo dự kiến, phù hợp nhu cầu, phát hành trái phiếu ở những phân khúc tiềm năng, do đó không có phản ứng trái chiều từ thị trường; đảm bảo thị trường luôn có nguồn vốn ổn định với chi phí thấp với mục tiêu duy trì thị trường trái phiếu hoạt động lành mạnh.

Theo ông Sven Linkruus, công cụ để nguồn vốn trên thị trường ổn định chính là việc sử dụng mô hình đại lý. Hiện nay, Canada có 10 đại lý chính, với 9 đại lý trong nước và 1 đại lý ở nước ngoài. Mô hình này không cố định, có lúc tăng lúc giảm và mỗi năm Canada đều có tham vấn về khung khổ của hoạt động này.

Đại diện Bộ Tài chính Canada nhấn mạnh, một trong những trụ cột quan trọng để quản trị rủi ro trên thị trường trái phiếu là truyền thông để ngăn chặn diễn biến không mong muốn, kiểm soát tính biến động của thị trường.

Cần thành lập Hội đồng Hành động bền vững tài chính để hỗ trợ cho phát triển xanh

Bộ Tài chính Canada cho rằng, không thể kiểm soát hết được các rủi ro của thị trường đến từ các vấn đề như: căng thẳng chính trị, chi phí thâm hụt của Mỹ, quyết định điều hành của các ngân hàng trung ương… Do vậy, việc của nhà quản lý là cố gắng quản lý thị trường nợ chứ không thể kiểm soát chính xác mức nợ trên thị trường.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, về phát hành trái phiếu xanh, phía Canada cho biết, hiện nước này chỉ có khoảng 15-20 tỷ USD trái phiếu dành cho mục tiêu phát triển xanh và chuyển đổi năng lượng. Tỷ lệ này được xem xét dựa trên vai trò của cơ quan nhà nước, bên cạnh khối tư nhân. Để hỗ trợ cho sự phát triển xanh, bền vững, Chính phủ Canada đã thành lập Hội đồng Hành động bền vững tài chính nhằm lấy ý kiến tham vấn, tạo ra các lĩnh vực tài chính bền vững phù hợp với thông lệ thực hành tài chính tốt của thế giới.

Theo đại diện phía Canada, Hội đồng với sự tham gia của nhiều cơ quan bao gồm quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm, các định chế tài chính… có nhiệm vụ đưa ra tư vấn về hạ tầng thị trường, giúp thu hút tài chính bền vững và xem xét báo cáo khí hậu, cơ hội cải thiện, phân tích dữ liệu biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn thông lệ chung về khoản đầu tư phát thải thấp, cung cấp cho Chính phủ bộ tư vấn bao gồm các dữ liệu và phân tích về khí hậu. Chính phủ Canada cũng cam kết thực hiện một số tư vấn của Hội đồng, trong đó đã triển khai một yêu cầu về quy định báo cáo bắt buộc rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.

“Đây là bước đầu tiên để Chính phủ Canada quản lý doanh nghiệp có tài sản trên 1 tỷ USD; đồng thời yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp nhà nước phải có báo cáo về biến đổi khí hậu năm 2023. Còn với các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải thực hiện từ năm 2025”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đã đưa ra hướng dẫn quy định về nội dung cần có trong báo cáo khí hậu, thống nhất tiêu chuẩn kế toán với các tiêu chuẩn mới về báo cáo liên quan đến khí hậu, yêu cầu cả khối doanh nghiệp bao gồm Nhà nước và tư nhân cũng phải thực hiện báo cáo này. Canada cũng có một cơ quan quản lý về chứng khoán và đưa ra kế hoạch về báo cáo khí hậu. Các tỉnh, thành phố quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng đưa ra quy định cụ thể cho doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, liên quan đến khí hậu, Canada đã có những cơ quan quản lý và cơ chế chính sách. Trong đó, Bộ Tài chính là đầu mối chính liên tục tìm ra các cơ hội nhằm làm đòn bẩy tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Đồng thời, làm việc với các bộ khác để giúp xây dựng hoàn thiện cơ chế phân loại, phù hợp mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030.

 

Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Canada. Hòa chung vào mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia, năm 2022, Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Canada đã thống nhất triển khai Cơ chế Đối thoại chính sách tài chính giữa hai Bộ nhằm tăng cường hợp tác quản lý tài chính giữa Canada và Việt Nam.