Tuân thủ quy định phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm

Huyền Anh

Trước những nguy cơ và hệ lụy từ tội phạm rửa tiền, việc chấp hành các quy định về phòng, chống rửa tiền ngày càng được các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm và thực hiện nghiêm túc.

Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) là một trong những đối tượng báo cáo theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền. Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống rửa tiền, từ năm 2010 đến tháng 9/2016, Cục Phòng, chống rửa tiền đã tiếp nhận 176 báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, chiếm 3,17% tổng số STR.

Từ năm 2012 đến tháng 9/2016, Cục Phòng, chống rửa tiền đã chuyển giao 13 vụ việc liên quan đến 28 báo cáo STR của DNBH cho cơ quan công an để điều tra, xác minh thông tin. Các vụ việc được chuyển này chủ yếu liên quan đến việc các DNBH tiến hành rà soát và phát hiện các đối tượng có liên quan trong các hợp đồng bảo hiểm có tên trong danh sách tội phạm bị truy nã, là đối tượng đang bị viện kiểm sát khởi tố, đang thuộc diện thi hành án.

Tuy nhiên, các hợp đồng bảo hiểm vẫn tiếp tục được duy trì và việc đóng phí bảo hiểm trong các vụ việc này được thực hiện bởi người thân của các đối tượng truy nã. Ngoài ra, vào thời điểm cơ quan công an tiến hành xác minh thông tin đã xác định các đối tượng phạm tội có liên quan trong các hợp đồng bảo hiểm nêu trên đã thi hành xong án phạt tù, trở về địa phương nên không còn vi phạm hình sự. Vì vậy, cơ quan công an không có ý kiến về việc xử lý đối với các hợp đồng bảo hiểm này.

 Tuy số lượng báo cáo STR trong lĩnh vực bảo hiểm chiếm tỷ trọng nhỏ, song việc chấp hành các quy định về phòng, chống rửa tiền ngày càng được DNBH quan tâm và thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài hoặc thuộc các tổ chức tín dụng.

Để phòng, chống rửa tiền, các DNBH đã xây dựng quy chế và chỉ định cán bộ, bộ phận phụ trách về công tác phòng, chống rửa tiền. Các DNBH chưa xây dựng quy chế và chỉ định cán bộ, bộ phận phụ trách về phòng, chống rửa tiền chủ yếu là các doanh nghiệp mới thành lập và hoạt động trong năm 2015, 2016. Đối với các doanh nghiệp này, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm đều hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện, tuân thủ quy định pháp luật.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 18 DNBH nhân thọ, cả 18/18 doanh nghiệp đều đã xây dựng, ban hành quy trình quản lý nội bộ về phòng, chống rửa tiền và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm quy trình quản lý phòng, chống rửa tiền được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật. Ngoài quy trình phòng, chống rửa tiền, các DNBH nhân thọ còn ban hành các quy định về nhận biết khách hàng, đánh giá rủi ro khách hàng... trong quy trình khai thác, quy trình thẩm định, phát hành hợp đồng bảo hiểm. Các DNBH nhân thọ cũng đã thành lập các bộ phận riêng và cử cán bộ phụ trách công tác phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, phần lớn các DNBH nhân thọ đều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, do đó các doanh nghiệp đều chịu sự quản lý, kiểm soát gắt gao từ công ty mẹ trong công tác đánh giá, quản lý phòng, chống rửa tiền. Hàng năm, phần lớn các doanh nghiệp đều có báo cáo kiểm toán nội bộ về kết quả phòng, chống rửa tiềncủa doanh nghiệp. Các DNBH nhân thọ đều trang bị hệ thống phần mềm quản lý hợp đồng bảo hiểm hiện đại, trong đó có đa số DNBH nhân thọ có trang bị phần mềm hoặc sử dụng thông tin hỗ trợ độc lập để nhận diện khách hàng.

Hiện các DNBH nhân thọ cung cấp 09 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đóng phí một lần (cá nhân); Nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuần túy – không kể đóng phí một lần (cá nhân); Nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có giá trị tiền mặt và yếu tố đầu tư, tiết kiệm – không kể đóng phí một lần (cá nhân); Nhóm sản phẩm khác có giá trị tiền mặt và yếu tố đầu tư, tiết kiệm – không kể đóng phí một lần (cá nhân); Nhóm sản phẩm hưu trí (cá nhân); Nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đóng phí một lần (nhóm); Nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuần túy – không kể đóng phí một lần (nhóm); Nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có giá trị tiền mặt và yếu tố đầu tư, tiết kiệm – không kể đóng phí một lần (nhóm); Nhóm sản phẩm khác có giá trị tiền mặt và yếu tố đầu tư, tiết kiệm – không kể đóng phí một lần (nhóm).

Theo Ngân hàng Nhà nước, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chịu ít tổn thương từ rửa tiền do phần lớn các DNBH nhân thọ không tiến hành thanh toán bảo hiểm cho bên thứ 3, chỉ một số ít DNBH thanh toán cho bên thứ 3 là người thụ hưởng hoặc người thừa kế của hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, các DNBH nhân thọ không tiến hành thanh toán bảo hiểm qua biên giới; số lượng khách hàng có quốc tịch nước ngoài hoặc có ảnh hưởng chính trị của chiếm tỷ trọng rất thấp; phương thức đóng phí của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay đang được sử dụng q ua đại lý, qua ngân hàng, thu phí trực tiếp... từ đó giảm thiểu việc chiếm dụng phí của đại lý cũng như các rủi ro khác liên quan đến thu phí bảo hiểm bằng tiền mặt, góp phần giảm thiểu tủi ro rửa tiền trong lĩnh vực này.