Việt Nam chủ động hợp tác quốc tế trong “cuộc chiến” chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

Phương Lan

Xác định được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền tiếp tục được Việt Nam đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần tích cực vào việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố, Việt Nam đã nỗ lực triển khai ngày càng có hiệu quả hơn cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố thông qua việc ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý toàn diện về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và đã được Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thừa nhận tại Hội nghị toàn thể FATF tháng 2/2014. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã từng bước được củng cố, phát triển. Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền được thành lập năm 2009 và Trưởng ban hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo của 15 bộ, ngành có liên quan, NHNN là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Với vai trò điều phối quốc gia về phòng, chống rửa tiền, Ban chỉ đạo đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Ban chỉ đạo đã ban hành 04 Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm giải quyết, khắc phục những thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam theo các thời kỳ.

Cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền tiếp tục được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu góp phần tích cực vào việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.

Song song với các hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nước, Việt Nam đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế về lĩnh vực này, đánh dấu bằng việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 34 của Nhóm Châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) vào tháng 5/2007. Với tư cách là thành viên của APG, Việt Nam đã cam kết thực hiện các quy định tại “Điều khoản tham chiếu của APG”, bao gồm: Thực hiện các hành động cần thiết nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; Thực hiện các hành động, các bước tích cực, chủ động nhằm phát triển, thông qua và thực thi luật pháp và các biện pháp khác về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố dựa trên chuẩn mực quốc tế đã được thừa nhận; Nhận thức lợi ích của việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm; Cam kết thực thi các quyết định của APG; Cam kết tham gia vào chương trình đánh giá đa phương của APG và Đóng góp vào ngân sách của APG.

Là thành viên của APG, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ các khuyến nghị của FATF và thực hiện các nghĩa vụ thành viên của APG. Năm 2008, Việt Nam đã trải qua vòng đánh giá đa phương về cơ chế chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo 40+9 Khuyến nghị của FATF. Việt Nam hiện đang là quan sát viên của Nhóm Các đơn vị tình báo tài chính Egmont và đang thực hiện các thủ tục xin gia nhập Nhóm này.

Công tác trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố với các Đơn vị tình báo tài chính (FIU) hoặc cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài cũng được đẩy mạnh. Theo đó, NHNN đã ký 9 Bản ghi nhớ (MOU) trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố với các quốc gia và đang trong quá trình đàm phán để ký kết MOU với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, NHNN và các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh một số hoạt động hợp tác khác như: phê chuẩn, tham gia và thực hiện các công ước, nghị định thư quốc tế có các nội dung liên quan đến phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; ký kết, tham gia các thỏa thuận, điều ước quốc tế song phương về phòng, chống tội phạm nói chung (tội phạm nguồn của tội rửa tiền) và phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố nói riêng; tích cực chủ động nghiên cứu quy trình gia nhập các tổ chức quốc tế, kênh chia sẻ thông tin phi chính thức về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và tội phạm khác; hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp trong việc dẫn độ, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền và các tội tiền thân của tội rửa tiền, tội khủng bố và tài trợ khủng bố; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố từ các tổ chức, đối tác quốc tế.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và của Liên hợp quốc, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và khu vực về chống tội phạm nói chung và chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nói riêng. Cụ thể, Việt Nam đã ký và gia nhập các Công ước của Liên Hợp quốc về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố bao gồm Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (Công ước Pa-lec-mô); Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988 (Công ước Vienna), Công ước về trừng trị tài trợ khủng bố năm 1999, Công ước chống tham nhũng năm 2005 (Công ước Merida), Công ước ASEAN về chống khủng bố năm 2007, Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000. Việt Nam cũng đã phê chuẩn cả 9 Công ước quốc tế đính kèm Công ước quốc tế về trừng trị tài trợ cho khủng bố 1999.

Ngoài ra, Việt Nam đang là quan sát viên tại Ủy ban Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự của Liên hợp quốc (CCPCJ) trực thuộc Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc. Hàng năm, Việt Nam đều cử đoàn tham dự Khóa họp của Ủy ban tại Viên, Cộng hòa Áo thông qua diễn đàn này khái quát thành tự của Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố; thực thi các Công ước Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và Công ước Liên Hợp quốc chống tham nhũng (UNCAC); thể hiện quan điểm của Việt Nam về các vấn đề cộng đồng quốc tế cũng như Việt Nam quan tâm; đồng thời trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự.

Với vai trò là thành viên của APEC, Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động về phòng, chống tội phạm, phòng, chống khủng bố của APEC như Nhóm công tác về phòng chống khủng bố (CTWG), Nhóm công tác về chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG) trong đó chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố là một nội dung quan trọng. Hiện nay, có 06 sáng kiến về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đã được triển khai trong APEC.

Với những kết quả nêu trên, có thể thấy những nỗ lực và quyết tâm liên tục của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong việc phối hợp với APG, FATF, các quốc gia và tổ chức quốc tế trong cuộc chiến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, góp phần đảm bảo sự minh bạch và toàn vẹn của hệ thống tài chính thế giới.