Việt Nam chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

PV.

(Tài chính) Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã được khởi động. Tuy nhiên với bước xuất phát điểm thấp trong lĩnh vực này, vấn đề lớn nhất đặt ra, ngoài chẩn bị về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, thì việc chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn, an ninh cũng như có kế hoạch ứng phó đối với các sự cố an ninh nguồn phóng xạ xảy ra trong quá trình vận hành nhà máy phát điện hạt nhân cũng cần phải đặc biệt quan tâm.

Chuẩn bị năng lực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

PGS, TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 25/11/2009.

Từ đó đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa việc triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận thành các dự án thành phần và giao cho các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện. Hiện nay, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu lựa chọn địa điểm và lập báo cáo nghiên cứu khả thi của hai dự án Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sắp tới, Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của hai dự án Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Qua đó, giải đáp những thắc mắc của dư luận trong thời gian qua về tác động tới con người và hoạt động kinh tế - xã hội tại các địa phương có dự án nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, do năng lực chuyên gia điện hạt nhân của Việt Nam còn hạn chế, Ban chỉ đạo đã cho phép Bộ KH&CN và Bộ TN&MT thuê tư vấn quốc tế hỗ trợ công tác thẩm định.

Còn về vấn đề bảo đảm an ninh cho dự án điện hạt nhân là rất rộng, bao gồm cả an ninh xã hội và an ninh cho vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân. Theo PGS, TS Vương Hữu Tấn, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên phải nói đến là chủ đầu tư (EVN) hay Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Để bảo đảm an toàn thì tất cả các công đoạn triển khai dự án đều phải được chủ đầu tư quan tâm, như: Lựa chọn địa điểm, lựa chọn công nghệ, thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng. Vấn đề quan trọng nhất đối với chủ đầu tư là chuẩn bị đội ngũ để quản lý các công đoạn của dự án và sau đó là tiếp nhận chuyển giao vận hành, bảo dưỡng nhà máy.

Chủ thể thứ hai giúp cho vấn đề bảo đảm an toàn là cơ quan pháp quy hạt nhân hay cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Hiện nay, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân được quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử là cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam.

Cơ quan pháp quy có trách nhiệm xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định an toàn và cấp các loại giấy phép cho dự án (địa điểm, xây dựng, vận hành, lưu giữ chất thải phóng xạ, vận chuyển nhiên liệu và nhiên liệu đã qua sử dụng, tháo dỡ, giấy phép cho nhân viên vận hành nhà máy…), thanh tra mức độ an toàn, thẩm định các giải pháp bảo đảm an ninh hạt nhân, kiểm soát vật liệu hạt nhân...

Trong báo cáo phân tích an toàn của hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư, chủ đầu tư là EVN đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, tức là kế hoạch ứng phó sự cố của nhà máy điện hạt nhân. Bộ KH&CN sẽ thẩm định và phê duyệt báo cáo phân tích an toàn, trong đó có kế hoạch ứng phó sự cố của cơ sở. Tỉnh Ninh Thuận đã giao cho Sở KH&CN chuẩn bị Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh. Theo quy định của pháp luật thì Bộ KH&CN sẽ thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh.

Ở phạm vi quốc gia, hiện nay, Bộ KH&CN đang soạn thảo Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong năm 2015, Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Quốc phòng, theo phân công trong Luật Năng lượng nguyên tử, đang xây dựng đề án về chuẩn bị năng lực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân…

Nguyên tắc thiết kế nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo an toàn

Giới chuyên gia cho rằng, do có rất nhiều chất phóng xạ nguy hiểm ở trong lò, cho nên lò phản ứng hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thận 2 và các nhà máy điện hạt nhân khác của Việt Nam trong tương lai cần được thiết kế công phu, nhằm đảm bảo các chất nguy hiểm đó vẫn được “nhốt chặt” bên trong thiết bị, bên trong nhà máy và không thoát được ra bên ngoài, nếu xảy ra tai nạn.

Nguyên tắc quan trọng trước hết là không để xảy ra tai nạn. Để làm được điều này, điều chủ yếu là phòng chống tới mức tối đa những rủi ro có khả năng gây ra tai nạn như hỏng hóc hoặc hư hại máy móc, thiết bị. Thiết kế đầy đủ, chính xác, thực hiện công tác quản lý chất lượng nghiêm ngặt và kiểm tra theo dõi thường xuyên để đề phòng những phát sinh bất thường và sai sót, hỏng hóc…

Điều quan trọng tiếp theo là nếu phát sinh trục trặc bất thường, thì cũng không để sự cố lan rộng. Người ta áp dụng những đối sách an toàn sau:

Thiết kế để có thể phát hiện sớm những bất thường: Ở nhà máy điện hạt nhân, để có thể phát hiện và kiểm tra được những bất thường như trường hợp phát sinh rò rỉ từ hệ thống ống dẫn ngay khi mới phát sinh và ở mức độ nhỏ, người ta lắp đặt các thiết bị kiểm tra giám sát tự động và khi cần thiết sẽ áp dụng những biện pháp thích hợp như ngừng lò phản ứng.

Thiết kế để có thể ngừng lò khẩn cấp: Khi phát hiện thấy có bất thường như áp lực trong lò phản ứng đột ngột tăng cao cần áp dụng biện pháp khẩn cấp, người ta lắp đặt các thiết bị phát hiện và thiết bị ngừng lò khẩn cấp để có thể cùng một lúc cho các thanh điều khiển vào lò phản ứng và ngừng tự động lò phản ứng. Các thiết bị quan trọng đó có đủ độ tin cậy, nhiều tầng và độc lập. Công phu tới mức lắp đặt cả thiết bị mà trong trường hợp hy hữu thanh điều khiển không hoạt động thì ngay lập tức một lượng lớn dung dịch axit boric có khả năng hấp thụ nơtron sẽ được rót vào để ngừng lò phản ứng.

Thiết kế phòng chống rò rỉ chất phóng xạ -“làm lạnh, nhốt chặt”: Để đề phòng khả năng tai nạn như nước tải nhiệt sơ cấp bị tổn thất, mất mát thì người ta lắp đặt hệ thống thiết bị làm lạnh tâm lò phản ứng khẩn cấp và thùng chứa lò phản ứng. Khi sự cố xảy ra, cùng với việc xả nước làm nguội lò phản ứng thì hệ thống phun hơi của thùng chứa lò sẽ làm lạnh và hoá lỏng hơi nước thoát ra thùng chứa lò, làm giảm áp lực trong thùng chứa lò và giảm thiểu nhanh chóng chất phóng xạ ở dạng khí. Lượng khí còn lại sẽ nhờ hệ thống lọc khẩn cấp làm giảm chất phóng xạ. Dù trường hợp thế nào chăng nữa thì về cơ bản, các chất phóng xạ cũng được nhốt chặt bên trong thùng chứa lò phản ứng để không thoát ra bên ngoài…