Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút FDI từ ASEAN
Ngày 22/11 Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, với các Hiệp định chung điều chỉnh về đầu tư, thương mại và dịch vụ cũng sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI.
FDI của ASEAN vào Việt Nam không đồng đều
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, nếu như giai đoạn 1988 - 1993, FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ đạt 66 dự án với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD thì đến giai đoạn 2006 - 2008, con số này đã tăng lên 566 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt 23,3 tỷ USD, trong đó riêng năm 2008, các nước ASEAN đã đầu tư 260 dự án FDI vào Việt Nam với 16,4 tỷ USD vốn đăng ký, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ, đã ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới cũng như tình hình thu hút FDI của Việt Nam, cụ thể: Năm 2009, đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam đã giảm mạnh, chỉ có 207 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD (bằng 9% so với cùng kỳ năm 2008); năm 2010, tình hình có tiến triển tốt hơn với 181 dự án và 5,4 tỷ USD tổng vốn đầu tư; nhưng 2012 lại là năm có kết quả thu hút FDI từ các nước ASEAN thấp nhất, với 209 dự án và 1,03 tỷ USD tổng vốn đầu tư.
Trước thực trạng này, từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư nên tình hình thu hút FDI đã khả quan hơn. Tuy chưa bằng giai đoạn đỉnh cao năm 2007 - 2008, nhưng kết quả thu hút FDI tương đối ổn định, tính lũy kế đến 6/2015, đã có 8/11 nước ASEAN có đầu tư FDI vào Việt Nam, gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipines, Lào, Campuchia với tổng số 2.629 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 54,6 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng số dự án và 21,7% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.
Trong số 18/18 ngành, lĩnh vực mà các nước ASEAN đầu tư vào việt Nam thì công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều dự án nhất cả với 1.009 dự án trị giá 22,2 tỷ USD, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là kinh doanh bất động sản với 97 dự án trị giá 16,6 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Như vậy, chỉ tính riêng hai lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản đã chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư của ASEAN.
Quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực này khá cao khoảng 167 triệu USD/dự án và đa phần là đến từ Singapore (77 dự án và 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 77,7% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này). Đứng thứ hai là Malaysia (16 dự án và 5,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 33,3% tổng vốn đầu tư). Brunei chỉ có 2 dự án, song, tổng vốn đầu tư của 2 dự án này lên tới 1 tỷ USD, trong đó dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn New City có tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD, còn lại là dự án đến từ Thái Lan và Phillipines.
Những số liệu trên cho thấy, dù FDI của các nước ASEAN vào Việt Nam đã tăng mạnh và quy mô vốn bình quân cho một dự án khá cao (đạt khoảng 20 triệu USD/dự án), song, việc thu hút đầu tư từ các đối tác là chưa đồng đều, điều này có thể thấy rõ khi Singapore, Malaysia và Thái Lan là 3 nước nằm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có kết quả đầu tư FDI cao nhất ở Việt Nam thì một số quốc gia khác còn lại có kết quả rất khiêm tốn và chưa thực sự có tác động lan tỏa cũng như tầm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư chung của Việt Nam.
Triển vọng hợp tác đầu tư Việt Nam - ASEAN
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, triển vọng hợp tác đầu tư giữa ViệtNam- ASEAN là hết sức lớn do ViệtNamlà một thành viên tích cực trong cộng đồng này. ViệtNamkhông chỉ thực hiện các cam kết chung của khối mà còn thực hiện các hợp tác song phương, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực.
Quan trọng hơn là ViệtNamđang gắn phát triển kinh tế - xã hội với hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khu vực, quan hệ thương mại và đầu tư giữa ViệtNam- ASEAN phát triển rất tốt đẹp và đang tăng lên mạnh mẽ. Vì thế, trong những năm tới, quan hệ hợp tác đầu tư giữa ViệtNamvà các nước ASEAN chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, việc ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, với các Hiệp định chung điều chỉnh về đầu tư (Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ - AFAS) cũng sẽ làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút FDI. Điều này lý giải vì sao hầu hết các công ty, tập đoàn đa quốc gia (TNC) lớn trên thế giới đều đã có mặt và đang mở rộng hoạt động đầu tư tại ASEAN.
Hơn 80% số công ty có tên trongdanh sách 500 công ty toàn cầu của Fortune đã có mặt tại ASEAN. Tại ASEAN đã có hoạt động của toàn bộ 10 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô, 10 nhà sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất toàn cầu; 10 nhà sản xuất điện tử hàng đầu; 10 doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế so với các nước ASEAN khác trong quan hệ cạnh tranh thu hút FDI. Chẳng hạn như: Thái Lan có lợi thế nhưng một phần thị trường đã bão hòa, nhân công có chi phí ngày càng cao và thiếu về số lượng. Bất ổn chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể tới dòng FDI vào đây (FDI của Nhật vào Thái Lan giảm từ mức trên 557 tỷ yên năm 2011 xuống còn 46 tỷ yên năm 2012).
Indonesia có thị trường lớn nhưng lại có vấn đề về tôn giáo, văn hóa, chính trị. Myanmar là địa bàn mới nổi lên trong thu hút FDI nhưng với thực trạng yếu kém về chính sách và hạ tầng hiện nay thì phải 3 - 5 năm nữa nước này mới có thể cải thiện được môi trường đầu tư. Do đó, có thể tin rằng, trong thời gian tới, các dự án đầu tư có quy mô lớn sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn.
Điều này cũng phù hợp với mức độ phát triển của các quốc gia và sự thịnh vượng chung của ASEAN, qua đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của khu vực và họ sẽ có những điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư lớn hơn tại Việt Nam.