Việt Nam có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

PV.

Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trên góc nhìn lạc quan, giới phân tích cho rằng Việt Nam có thể được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội từ sự kiện này.

Việt Nam có thể còn được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội mà cuộc chiến thương mại mang tới. Nguồn: Internet
Việt Nam có thể còn được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội mà cuộc chiến thương mại mang tới. Nguồn: Internet

Cụ thể, Mỹ đưa ra những quy định như cấm các công ty có hơn 1/4 vốn của Trung Quốc được tiếp cận với các ngành công nghệ then chốt. Do đó, cũng có lập luận cho rằng, sự bất ổn của thị trường Trung Quốc có thể thúc đẩy các doanh nghiệp chạy sang các thị trường ổn định hơn, chi phí cạnh tranh thấp hơn, như Việt Nam.

Về trung hạn, Việt Nam có thể có sự gia tăng sản phẩm của một số ngành xuất khẩu có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ diễn ra xu hướng chuyển các công ty xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần có thời gian để thích nghi với các điều kiện kinh tế mới.

Thêm vào đó, việc các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bị đánh thuế cao sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng tương tự sang Mỹ. Ví dụ như sản phẩm của các ngành luyện kim, công nghiệp khai thác gỗ hay ngành nông nghiệp.

Mới đây, chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ đã đưa ra nhận định, bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu biết cách “xoay sở” thúc đẩy các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN...

Chia sẻ thêm về vấn đề Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định FTA, PGS.TS., Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian qua, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế bằng nhiều con đường, ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Việt Nam tham gia khoảng 16 hiệp định thương mại tự do, với nhiều tư cách khác nhau. Các hiệp định này đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường của đối tác.

Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản, hàng hóa của Việt Nam đã vào được thị trường này - một trong những thị trường khó tính nhất. Thậm chí, Việt Nam còn tìm được đường vào các siêu thị, hệ thống phân phối của Nhật Bản. Hay như thị trường Australia, vải, mỳ Chũ, phở ăn liền... đã xuất hiện. Điều này cho thấy với các FTA và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong những con đường đang mở ra cơ hội cho Việt Nam hội nhập kinh tế tốt hơn.

Theo TS. Phạm Tất Thắng, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực mở ra con đường này thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ các thỏa thuận trong hiệp định để thực hiện và biểu hiện bằng việc đưa hàng hóa vào thị trường đó. Ngược lại, Việt Nam cũng tiếp nhận hàng hóa chất lượng cao từ các nước vào để người tiêu dùng được hưởng những mặt hàng chất lượng, hơn là những mặt hàng trôi nổi thông qua đường biên giới.

Để nắm bắt được tốt các cơ hội, Việt Nam cần phải nghiên cứu và có quyết sách thế để tận dụng được lợi thế, ví dụ như các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá cả đồng USD và NDT, để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời. Thêm vào đó, cần tìm hiểu sâu hơn nữa những quy định mới của Mỹ, nhất là với các loại hàng hoá trong danh mục bị áp thuế, để đa dạng hoá xuất khẩu vào Mỹ.

Việt Nam cũng cần có các giải pháp để giữ vững được các thị trường truyền thống như EU, Đông Âu, khai thác những lĩnh vực còn khả năng phát triển. Mặt khác cũng cần tích cực tìm kiếm thêm các thị trường mới. Đồng thời, cần nghiên cứu sâu hơn danh mục những hàng hoá của Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu vào Mỹ, mà Việt Nam đang cần, để có thể nhập khẩu một cách có lợi nhất.