Áp lực biến động tỷ giá từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

PV.

Thị trường ngoại hối gần đây chịu nhiều áp lực, không chỉ đến từ các yếu tố nội tại trong nước mà còn cả quốc tế, dẫn đến rủi ro về một cuộc chiến tranh thương mại cho đến chiến tranh tiền tệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tỷ giá sẽ có các diễn biến khó lường

Tại một cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều ngày 11/7, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo theo sự mất giá của đồng NDT và tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. 

Cụ thể, hiện nay đồng VND đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng NDT mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ sẽ ồ ạt chảy vào thị trường Việt Nam.

Trong thời gian qua, để đáp trả Mỹ, Trung Quốc không chỉ áp hàng rào thuế quan tương tự lên hàng hóa Mỹ, mà còn sử dụng giải pháp phá giá đồng NDT như là một vũ khí tối thượng. Thực tế, vài tuần gần đây, đồng NDT đã giảm giá khá mạnh so với USD.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức nổ ra hôm 6/7 khi Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau nhiều tháng đe dọa. Cùng ngày hôm đó Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách đánh thuế 1 lượng tương tự hàng hóa Mỹ, trong đó có đậu tương và ô tô.
Theo các chuyên gia, diễn biến này Điều này có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Theo đó, các nền kinh tế khác cũng có thể theo đuổi chính sách phá giá đồng nội tệ tương tự để hỗ trợ xuất khẩu.
Trong khi đó, Việt Nam luôn cố gắng giữ giá trị tiền đồng so với USD, chỉ cho phép phá giá trong một biên độ nhất định để tránh những bất ổn lên nền kinh tế. Do đó, vô tình tăng giá so với các loại ngoại tệ khác và điều này có thể khiến hàng Việt xuất khẩu mất lợi thế cạnh tranh do giá đắt hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý, trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cố gắng giữ ổn định tỷ giá trung tâm thì trên thị trường tự do, giá USD ở chiều bán ra đã chạm mốc 23.200 VND/USD. Vậy khả năng tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định và tỷ giá sẽ có các diễn biến khó lường mà xu hướng tăng hiện hữu.
Điều chỉnh tỷ giá: Cần thận trọng!
Để ứng phó với tình trạng tỷ giá biến động do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, TS. Nguyễn Đức Thành lại khuyến nghị Việt Nam cần theo đuổi chính sách mềm dẻo, giảm giá VND so với USD nhưng không giảm mạnh bằng NDT. Chẳng hạn nếu NDT giảm 10%, Việt Nam có thể giảm 5% hoặc thấp hơn...
Theo TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang nới lỏng tiền tệ. Cụ thể, có hai cách điều chỉnh gồm: Điều chỉnh tăng tỷ giá USD trong nước khi giá của đồng tiền này tăng hoặc điều chỉnh giảm VND.

TS. Lương Văn Khôi cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá là quan trọng giúp điều kiện thương mại của Việt Nam được cải thiện, kích thích xuất khẩu, góp phần cho tăng trưởng kinh tế, song sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước vay bằng đồng USD sẽ gặp khó khăn do chênh lệch tỷ giá.

Một số chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và động thái của Ngân hàng Trung ương các nước.

Đồng thời, NHNN cần sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, thậm chí tăng cung ngoại tệ ra thị trường để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý nhận định, với xu hướng tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu tăng, nhưng việc để tỷ giá tăng đến bao nhiêu cũng cần tính toán kĩ lưỡng cho các mục tiêu đề ra xem tăng trưởng kinh kế là trọng tâm và nếu tăng thì phải chọn thời điểm mà lạm phát Việt Nam thấp và khi điều chỉnh tỷ giá không tạo áp lực tăng lạm phát như thời điểm lạm phát tăng...
Chuyên gia này cho rằng, với diễn biến phức tạp tình hình hiện nay thì chưa nên sử dụng ngay việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu mà nên đợi thêm các tác động lớn hơn của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại sắp đến hồi căng thẳng nhất...
"Biện pháp điều chỉnh tỷ giá chỉ là một phần quyết định giúp hỗ trợ xuất khẩu, chúng ta còn cần chọn lựa và sử dụng đồng thời các biện pháp phù hợp khác", chuyên gia Nguyễn Lê Đình Quý cho biết.