Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền
Cùng với việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia.
Tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người.
Theo đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người như: Công ước về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước về quyền Kinh tế, Văn hoá, Xã hội; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước Quyền Trẻ em và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt các tội ác Apartheid; Công ước về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với tội phạm chiến tranh và tội chống nhân loại.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập 15 công ước quốc tế về quyền lao động, trong đó có những công ước quan trọng như: Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp…
Việt Nam cũng đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN. Đồng thời, chú trọng tăng cường cơ chế đối thoại và hợp tác về vấn đề quyền con người hằng năm với nhiều đối tác như: Mỹ, Thụy Sỹ, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, tham gia và đóng góp tích cực tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về quyền con người.
Không chỉ tham gia ngày càng nhiều các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn nghiêm túc trong thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ của một quốc gia thành viên các công ước, đặc biệt là nghĩa vụ nội luật hóa quy định của các công ước. Nhờ đó, quyền con người ngày càng được quy định cụ thể và toàn diện hơn trong luật pháp Việt Nam, điển hình là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với những quy định cởi mở về quyền con người. Các quy định của pháp luật về quyền con người cũng luôn được cơ quan lập pháp Việt Nam kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đối chiếu với các cam kết quốc tế.
Trong các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương về quyền con người, Việt Nam luôn thể hiện hình ảnh tích cực, chủ động và có những đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên tinh thần đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Việc thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực chung và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người được quy định trong các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên cũng như việc tích cực hợp tác quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền đã góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người. Qua đó, đóng góp thiết thực vào thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.
Tại cuộc họp Ủy ban 3 về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa của Đại hội đồng Liên hợp quốc với đề mục thảo luận về “thúc đẩy và bảo đảm quyền con người” diễn ra trong tháng 10/2018 vừa qua, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác và đối thoại về nhân quyền trên bình diện song phương, khu vực cũng như quốc tế. Mọi cam kết quốc tế về nhân quyền đều được Việt Nam tuân thủ nghiêm, biến những cam kết quốc tế thành hành động thực tiễn để đảm bảo quyền con người.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam hiện là thành viên của 7 trong tổng số 9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người và đang tiếp tục xem xét khả năng gia nhập Công ước về người mất tích cưỡng bức và Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ.