Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kinh ngạc trong phục hồi và phát triển kinh tế
Ngày 18/5/20223, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng có cuộc tiếp bà Ngozi Okonjo-Iweala – Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để trao đổi về các nội dung hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong điều hành chính sách tài khóa cũng như kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Thứ trưởng Võ Thành Hưng chào mừng bà Ngozi Okonjo-Iweala – Tổng giám đốc WTO cùng đoàn công tác tới thăm và làm việc tại Bộ Tài chính.
Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, trong hai năm 2020, 2021, Việt Nam là quốc gia chịu tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19. Việt Nam gần như là nước đi sau cùng trong tiếp cận vắc xin. Tuy nhiên, Việt Nam đã huy động nguồn lực trong và ngoài nước để có nguồn vắc xin sớm nhất, nhiều nhất tiêm cho người dân. Nhờ đó, Việt Nam rất nhanh trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về bao phủ vắc xin. Việt Nam có điều kiện mở cửa nền kinh tế từ quý IV/2021 và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 gấp gần 2 lần GDP. Do đó, bất kỳ biến động nào trên toàn cầu cũng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng đã chịu tác động nhiều về giá cả đặc biệt là giá xăng dầu, lương thực trên thế giới; chịu tác động điều chỉnh lãi suất, chính sách tiền tệ của các nước lớn...
Thông tin về công tác điều hành, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã ứng phó với tình hình tương đối tốt nhờ những kinh nghiệm trong quản lý điều hành trước đây. Thứ trưởng cho biết, Việt Nam xuất phát từng là nền kinh tế chịu tác động lớn bởi tăng trưởng thấp, lạm phát cao khoảng năm 2008-2009, đỉnh điểm là những năm 2013, 2014.
Vì vậy, Việt Nam phải cơ cấu lại chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo dư địa điều hành. Nợ công của Việt Nam đã có thời điểm gần 65% GDP, vì vậy phải có biện pháp cơ cấu lại. Đến năm 2022, nợ công đã giảm xuống còn khoảng 38% GDP. Việt Nam cũng có điều chỉnh chính sách thuế, thu chi ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Đặc biệt, chính sách tài khóa đã góp phần tích cực vào việc giảm áp lực lạm phát năm 2022. Việt Nam đã chủ động thực hiện giảm thuế xăng dầu, qua đó giảm áp lực tăng giá trong nước; đảm bảo bố trí thanh toán tất cả khoản nợ đến hạn phù hợp, tăng cường phát triển thị trường trái phiếu trong nước để cơ cấu lại nợ...
Về định hướng phát triển, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có cân đối tài khóa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy tăng chi đầu tư công để tạo nền tảng cho tăng trưởng. Việt Nam cũng sẽ tập trung vào phát triển công nghệ cao, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn và phát triển nền kinh tế số.
Cảm ơn những thông tin mà Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã chia sẻ, bà Ngozi Okonjo-Iweala – Tổng giám đốc WTO chúc mừng Bộ Tài chính cũng như Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế tài chính to lớn. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng Việt Nam đã phục hồi rất mạnh, trở thành một trong những nền kinh tế phục hồi nhanh nhất thế giới.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, từ khi tham gia WTO, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kinh ngạc. Việt Nam đã tăng gấp 4 lần thu nhập bình quân đầu người, thương mại hàng hóa tăng gấp 7 lần.
"Tôi tin rằng Việt Nam sẽ là minh chứng tuyệt vời trong vận dụng các mối quan hệ quốc tế để phát triển quốc gia và chúng tôi mong muốn sẽ hỗ trợ Việt Nam chia sẻ câu chuyện thành công đó." - Tổng giám đốc WTO nhấn mạnh.
Tại cuộc tiếp, hai bên cũng đã trao đổi về các nội dung liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các ngân hàng tham gia vào thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...