Trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng như năm 2022
Theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Tờ trình trình Chính phủ trình Quốc hội về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH1.
Tiếp tục đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng
Năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15; trong đó, có quy định giảm mức thuế suất thuế GTGT đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Khi thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế GTGT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Dự án đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và được hoàn thiện trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã hoàn thiện tờ trình trình Chính phủ trình Quốc hội theo nội dung nêu trên. Theo đó, đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và giao Chính phủ hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.
Giảm thu ngân sách khoảng 24 nghìn tỷ đồng
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, với giải pháp giảm thuế GTGT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 06 tháng cuối năm 2023 thì dự kiến số giảm thu NSNN tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu NSNN năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 01/2024).
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung quyết liệt công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách.
Đồng thời, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng đến hết ngày 30/6/2023 các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023. Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định.
Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.