Việt Nam đạt nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người
Sau 70 năm, từ khi Liên hợp quốc được thành lập, với sự ra đời của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế vào ngày 10/12/1948, nhân loại đã đạt được những bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn, như tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, biến đổi khí hậu, thiên tai... đang diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thụ hưởng quyền con người.
Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng đấu tranh, phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người; Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc làm giàu những giá trị chung của nhân loại về quyền con người.
Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG) và đang triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Thành tựu đạt được trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận , nhất là thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trước đây, mục tiêu phát triển bền vững hiện nay.
Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống 7,69% năm 2017.
Từ một nước nghèo, kém phát triển, người dân thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên, đạt tăng trưởng GDP cao trên 6% trong hơn 20 năm qua, là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới và từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người hiện nay đạt hơn 2.500 USD, đời sống của hơn 90 triệu người dân được nâng cao.
Cùng với đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, người dân Việt Nam còn tích cực, chủ động tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn, người dân ngày càng ý thức rõ hơn về quyền của mình và vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân.
Với tinh thần phấn đấu cao nhất cho việc bảo đảm các quyền con người, Chính phủ cũng chỉ ra được những khó khăn, thách thức và bất cập trong việc bảo đảm quyền con người. Đó là, hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn; Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, cũng như trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ nhà nước về quyền con người còn hạn chế...
Nhận thức rõ khó khăn, thách thức chính là tiền đề để Việt Nam tiếp tục tìm biện pháp giải quyết, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Dù còn nhiều thách thức, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để người dân ngày càng được thụ hưởng tốt hơn quyền con người và thành quả công cuộc phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, cùng với các nỗ lực bảo đảm quyền con người ở trong nước, Đảng và Nhà nước chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và xây dựng, vì mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam tiếp tục là thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc về quyền con người, trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Việt Nam là thành viên nhiệm kỳ 2014-2016) và Hội đồng kinh tế xã hội, hiện đang ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Với tư cách thành viên có trách nhiệm của Hội đồng nhân quyền, Việt Nam luôn cam kết, phối hợp chặt chẽ với các nước, các đối tác trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.