Việt Nam đón “cơ hội” du lịch Halal thế nào?
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của ngành công nghiệp Halal, với quy mô thị trường ước tính lên tới 3.000 tỷ USD, du lịch Halal được đánh giá có thể trở thành “cú hích” cho các doanh nghiệp Việt, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua phục vụ dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo.

Tiềm năng lớn
Báo cáo Global Islamic Economy 2023 chỉ ra rằng, thị trường Halal toàn cầu được dự báo đạt hơn 2,8 nghìn tỉ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bao trùm nhiều lĩnh vực: thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, tài chính, du lịch và thời trang, với khoảng hơn 2 tỉ người Hồi giáo trên toàn thế giới chiếm 1/4 dân số thế giới.
Du lịch Halal (nghĩa là mọi dịch vụ đều thân thiện, phù hợp những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi) hiện đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Theo ước tính, có khoảng 1,9 tỉ người Hồi giáo trên toàn thế giới và dự báo sẽ đạt gần 2,2 tỉ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu. Với số lượng này, đến năm 2030, ước tính du lịch Halal sẽ đóng góp 334,5 tỉ USD vào ngành du lịch thế giới. Đây là dư địa lớn cho các quốc gia để triển khai các chính sách nhằm thu hút khách du lịch Hồi giáo, trong đó có Việt Nam.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam, ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade cũng đã đưa ra đánh giá tại Hội thảo “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn TP. Hà Nội” hồi tháng 4/2025 rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch Halal, đặc biệt là đối với các quốc gia Hồi giáo và ngày càng trở thành điểm đến thu hút với nhiều quốc gia như Pakistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, hay kể tới hàng trăm nghìn du khách đến từ các Quốc gia Ả rập.
Xây dựng niềm tin với khách du lịch Halal
Việt Nam có thế mạnh về cảnh quan, ẩm thực và hạ tầng du lịch nhưng để có thể hút khách du lịch Halal, đòi hỏi phải có những bước đi nỗ lực và tích cực hơn nữa. Điều quan trọng được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là phải tạo dựng được niềm tin với cộng đồng Hồi giáo- từ dịch vụ chuẩn, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản…
Chia sẻ thông tin tại hội thảo “Hướng dẫn, áp dụng các yêu cầu kỹ thuật Halal dành cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm” tổ chức ngày 9/5 mới đây tại Đà Nẵng, đại diện Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhằm hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu và du lịch Halal, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động từ cấp Trung ương đến địa phương. Các thỏa thuận hợp tác song phương với các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế từ Malaysia, Indonesia, UAE đã giúp hàng hóa Việt dễ dàng tiếp cận thị trường Halal thế giới. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Halal (TCVN Halal) cũng đang được phát triển để hình thành hành lang pháp lý minh bạch và nhất quán.
Thêm nữa, việc đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt ngày 14/2/2023 là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành Halal nói chung và du lịch Halal nói riêng.
Hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang nỗ lực để có thể trở thành những điểm đến thân thiện với người Hồi giáo, đáp ứng được các yêu cầu về dịch vụ, nguồn nhân lực… cho thị trường Halal.
Như tại Đà Nẵng, thống kê năm 2024 cho thấy, Thành phố đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có gần 200.000 lượt khách từ Ấn Độ, 131.000 lượt từ Malaysia, gần 40.000 lượt từ Indonesia và hàng nghìn lượt từ các nước Hồi giáo khác như Ả Rập Saudi, Iran... Đà Nẵng hiện có hơn 46.000 phòng khách sạn, 8.000 cơ sở ăn uống và 16 khu/điểm du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều phân khúc khách du lịch, bao gồm cả du khách Hồi giáo.
Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hàng không đang hỗ trợ quan trọng cho chiến lược Halal của Đà Nẵng. Hiện Thành phố có 16 đường bay quốc tế thường kỳ cùng với 8 đường bay nội địa, với tần suất 120 - 125 chuyến/ngày. Từ tháng 6/2025 tới, hãng hàng không Emirates chính thức khai thác đường bay Dubai - Băng Cốc - Đà Nẵng, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường du khách từ UAE, Trung Đông, và các nước nối chuyến từ châu Âu, Mỹ. Cùng với đó, từ tháng 4 - 10/2025, các đường bay thuê chuyến từ Kazakhstan (Astana & Almaty) đến Đà Nẵng cũng sẽ đi vào hoạt động. Đây là những thị trường mới nổi có tỷ lệ người Hồi giáo cao, tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.
Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp đón khách Halal, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm chuyên đề vào tháng 3/2025 và tháng 5/2025 nhằm chia sẻ thông tin, định hướng và thực tiễn phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo; cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật Halal dành cho ngành dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm..., hứa hẹn mang đến những dịch vụ chuẩn và phù hợp nhất cho du khách Hồi giáo.
Cùng với sự nỗ lực này của các địa phương, các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực. Theo TS. Trịnh Thị Thu Hà- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, muốn phát triển du lịch gắn với Halal tốt, vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo con người đóng vai trò quyết định. Được biết, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã thành lập Trung tâm Đào tạo Halal, hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhu cầu của du lịch Halal trong thời gian tới.