Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN trong tháng 7

PV.

Theo số liệu Nikkei – HIS Markit công bố, chỉ số Nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất (PMI) của Việt Nam trong tháng 7 tuy giảm nhẹ so với tháng 6, nhưng Việt Nam vẫn đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nguồn: Internet
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nguồn: Internet

Cụ thể, trong tháng 7, chỉ số PMI của Việt Nam giảm nhẹ còn 54,9 điểm từ mức 55,7 điểm của tháng 6; Không chỉ riêng Việt Nam, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của ASEAN trong tháng 7 cũng giảm còn 50,4 điểm từ 51 điểm của tháng 6.

Như vậy, Việt Nam vẫn đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN khi tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong tháng 7.

Đại diện công ty thu thập kết quả khảo sát, ông Andrew Harker - Phó Giám đốc tại IHS Markit cho biết: “Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hỗ trợ cho mức tăng trưởng tổng thể trong kỳ khảo sát mới nhất là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh hơn. Trong khi đó, mức độ lạc quan về tương lai được phản ánh bởi mong muốn tăng hàng tồn kho của các công ty để sẵn sàng tiếp tục tăng sản lượng và tiếp tục tăng mạnh số lượng việc làm".

Cũng theo đánh giá của Nikkei, các điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong suốt 32 tháng qua. Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất tiếp tục tăng với mức độ đáng kể trong tháng 7. Bên cạnh đó, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã nhanh hơn trong tháng 7 và chỉ chậm hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 5.

Lượng công việc tồn đọng tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trong tháng 7. Điều này đã tiếp tục duy trì đà tăng của mức độ tạo việc làm trong tháng 6.

Cùng với đó, hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng đáng kể khi có báo cáo cho biết các công ty muốn tăng lượng hàng tồn kho. Tốc độ tăng hàng tồn kho trước sản xuất đã nhanh hơn thành mức cao tính trong 5 tháng gần đây, trong khi tồn kho thành phẩm tăng nhẹ trong tháng 7. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp không thay đổi so với tháng 6, kết thúc thời kỳ kéo dài thời gian giao hàng trong 17 tháng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng so với tháng 6 khi có gần 51% số người trả lời khảo sát dự báo tăng sản lượng.

 Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN trong tháng 7 - Ảnh 1