4 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 11,4%
Tổng cục Thống kê cho biết, 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017.
Trước đó, trong năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với năm 2016. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,5% - mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm.
Còn tính đến cuối tháng 3 vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei cũng công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 26,6%; sản xuất kim loại tăng 16,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 15,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 14,9%... Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 4,8%; khai thác than cứng và than non tăng 4,4%; sản xuất thuốc lá tăng 3,5%...
Cùng với đó, có một số sản phẩm công nghiệp tăng cao là sắt thép thô tăng 38,2%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 26,2%; sữa bột tăng 20,7%; thức ăn cho thủy sản tăng 19%; ti vi tăng 17,5%; thủy hải sản chế biến tăng 11,8%.
Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 3,1%; bột ngọt tăng 2,9%; dầu gội đầu, dầu xả tăng 2,8%; điện thoại di động tăng 2,6%; sữa tươi giảm 0,5%...
Một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như Bắc Ninh tăng 33,4%; Hải Phòng tăng 24%; Vĩnh Phúc tăng 13,5%; Thái Nguyên tăng 12,1%; Hải Dương tăng 10,7%; Hà Nội và Đồng Nai cùng tăng 8,1%; Đà Nẵng tăng 8%; Bình Dương tăng 7,9%; Cần Thơ tăng 7,3%; Quảng Ninh tăng 6,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước...