Việt Nam giao thương với Nhật khác Trung Quốc như thế nào?
(Tài chính) Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản với 1,86 tỷ USD, tăng 39,42% so với cùng kỳ năm ngoái song là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc.
Giao thương với Nhật Bản mang lại nhiều lợi
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Bộ Công thương, hết tháng 8/2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 9,74 tỷ USD, tăng 10,68% so với cùng kỳ năm 2013. Chiều ngược lại Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản ước đạt 7,88 tỷ USD, tăng 5,54%. Như vậy, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Nhật với 1,86 tỷ USD, tăng 39,42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản dần ổn định và tăng trưởng tốt, Bộ Công thương lý giải, do các doanh nghiệp Việt Nam đang dần thích nghi và đáp ứng các rào cản kỹ thuật và tiêu chuẩn kiểm dịch của phía Nhật Bản.
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và chế biến như dệt may, giầy dép và nguyên liệu dệt may da giày, thủy sản… vẫn duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu khá và ổn định sang thị trường này. Xuất khẩu hàng dệt may vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt.
Theo đánh giá của các nhà nhập khẩu Nhật Bản, với xu hướng dịch chuyển sản xuất dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam, số đơn đặt hàng của khách hàng Nhật Bản tại Việt Nam 2014 có thể tăng lên 20%-30% so với năm 2013.
Trong số những hàng hóa được nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam trong 8 tháng qua thì máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác vẫn duy trì là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất (chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu), và đây cũng là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao, tăng 20,39% so với cùng kỳ năm 2013.
Nhiều mặt hàng nhập từ thị trường Nhật Bản cũng đã tăng rất mạnh trong 8 tháng đầu năm nay, trong đó, phải kể đến là mặt hàng Nguyên phụ liệu thuốc lá và điện thoại các loại và linh kiện, với tốc độ tăng lần lượt là 769,11% và 330,72% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá, trong các nước Việt Nam đang có quan hệ ngoại thương, Nhật Bản vẫn đang là thị trường đem lại nhiều lợi ích nhất cả về xuất khẩu (Việt Nam luôn xuất siêu) và cả về nhập khẩu (công nghệ, thiết bị chất lượng).
Việt Nam phụ thuộc Trung Quốc
Trong khi đó, giao thương với Trung Quốc, thực tế đã tồn tại nhiều năm qua trong nền kinh tế Việt Nam là Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo, khoáng sản tự nhiên sang Trung Quốc với giá rẻ sau đó nhập các sản phẩm đã qua chế biến và máy móc thiết bị từ Trung Quốc với giá cao.
Đặc biệt, với các sản phẩm nông sản, thủy sản, lúa gạo với cách làm ăn dễ dãi, hầu hết các sản phẩm được sản xuất từ Việt Nam đề dễ dàng được bán sang Trung Quốc với giá rất rẻ. Tuy nhiên, ở 1 số thời điểm Trung Quốc có thể dừng hoặc hạn chế thu mua không rõ nguyên nhân.
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ các nguồn khác giai đoạn 2000 - 2013
Đơn vị: tỷ USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng trên 15%. Kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng qua đạt 9,79 tỷ USD.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, xu hướng nhập siêu tăng mạnh và sự phụ thuộc ngày càng nhiều.
Còn ở chiều ngược lại, đến hết tháng 8/2014, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đạt khoảng 27,06 tỷ USD, tăng 15,77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, lên đến 17,26 tỷ USD, trung bình mỗi tháng kim ngạch nhập siêu là 2,16 tỷ USD/tháng.
Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cho biết, điều này tiềm ẩn rủi ro là Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nếu như Trung Quốc sử dụng vị thế là người xuất cũng như người nhập lớn kinh tế Việt Nam sẽ thiệt thòi.
Đồng quan điểm với TS. Lê Đăng Doanh, GS., TS. Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chính sách mua rẻ, bán rẻ, xuất khẩu thô và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, máy móc của Việt Nam thể hiện cách làm ăn dựa vào kinh tế tài nguyên, tư tưởng "chụp giật" trong kinh doanh, không tính toán làm ăn lâu dài theo quy tắc thị trường.
"Dựa vào kinh tế tài nguyên thường mang lại lợi nhuận nhanh hơn cho doanh nghiệp, thay vì phải nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến các sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Nguồn tài nguyên bao giờ cũng có giới hạn và đến một lúc sẽ cạn kiệt và Việt Nam lại phải dùng đô la để nhập về chính những sản phẩm mà chúng ta đã xuất khẩu trong tương lai không xa", GS., TS. Đặng Đình Đào nói.