Việt Nam giữ vị trí trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada
Canada sẽ tiếp tục cam kết giúp Việt Nam tiến bước trên con đường hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm. Đây cũng chính là mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada và Việt Nam giữ vị trí trung tâm trong chiến lược này.
Đó là chia sẻ của ông Ahmed Hussen, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada trong buổi gặp gỡ báo chí trong chuyến thăm Việt Nam và ra mắt cuốn sách “Di sản bền vững – 30 năm hợp tác phát triển giữa Canada và Việt Nam”, do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức ngày 9/1, tại Hà Nội.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được xây dựng với các mục tiêu liên kết với nhau, bao gồm: Thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và an ninh; Mở rộng thương mại, đầu tư và sự phục hồi của chuỗi cung ứng; Tăng cường kết nối giữa nhân dân với nhân dân trên toàn khu vực; Xây dựng tương lai xanh và bền vững.
Bộ trưởng Ahmed Hussen hy vọng hiệp định thương mại tự do của Canada với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được phát huy sẽ giúp thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất hiện trên các kệ hàng ở Canada và ngược lại.
Bộ trưởng Ahmed Hussen nhấn mạnh Canada tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu phát triển của Việt Nam với hơn 40 triệu USD cho các dự án tập trung vào cải thiện điều kiện kinh tế của các nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam bằng cách tăng cường mức độ sẵn sàng đầu tư tác động của các doanh nghiệp tác động xã hội; Xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương; Cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số trong lĩnh vực nông nghiệp; Tăng cường sự tham gia vào các hoạt động kinh tế được trả lương cho phụ nữ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn và khắc phụ gánh nặng từ công việc chăm sóc gia đình không được trả lương; Tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các dự án carbon lâm nghiệp chất lượng cao, toàn diện.
Ông cho biết Canada đã và đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để hỗ trợ tạo dựng con đường dẫn đến thịnh vượng trong ba thập kỷ qua.
Đây cũng là chủ đề của cuốn sách “Di sản bền vững: 30 năm hợp tác phát triển giữa Canada và Việt Nam”. Cuốn viết bằng 3 thứ tiếng (Anh, Canada, Việt) nêu bật những lợi ích mà mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa Việt Nam và Canada mang lại và những nỗ lực phi thường của các đối tác đã giúp xây dựng di sản hợp tác lâu dài và bền vững giữa hai bên.
Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Canada và Việt Nam. Cuốn sách ghi chép lại lịch sử mối quan hệ hiệu quả đã mang lại lợi ích cho hai nước trong nhiều lĩnh vực, từ quản trị quốc gia, giáo dục đến thương mại và sự kết nối giữa nhân dân hai nước.
Kể từ đầu những năm 1990, Canada đã đóng góp gần 1,8 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam giảm nghèo và bất bình đẳng thông qua tăng trưởng có lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Cùng sát cánh với các đối tác Việt Nam, Canada đã thực hiện các chương trình giúp thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, tang cường bảo vệ môi trường, hệ thống giáo dục và đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng những lợi ích nêu trên cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Trong quá trình này, Việt Nam và Canada đã tạo ra các mối liên kết giữa người dân và các tổ chức, từ đó giúp củng cố quan hệ đối tác thương mại mạnh mẽ giữa hai nước.
Hiện, Canada là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Năm 2022, tổng kim ngạch song phương đạt trên 7 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2021. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của thương mại toàn cầu, tổng trao đổi thương mại Việt Nam - Canada ước đạt 6,17 tỷ USD. Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam với 247 dự án có tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,82 tỷ USD.
Ông Hussen, 48 tuổi, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phát triển Quốc tế trong chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau hồi tháng 7 năm ngoái. Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ông tới thăm trên cương vị mới. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt vì được diễn ra vào thời điểm 1 tuần sau năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Canada-Việt Nam./.