Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ
(Tài chính) Tính đến tháng 2/2015, Mỹ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,035 tỷ USD và xếp thứ 7/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Đây là con số ấn tượng về vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, qua đó minh chứng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ "đổ vốn" vào đầu tư ở nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, những con số này chưa phản ảnh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam do có một số công ty của nước này như: Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter & Gamble, Chevron, ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con đăng ký tại một số nước khác như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông... Nếu tính cả nguồn vốn đầu tư qua nước thứ 3 kể trên thì Mỹ sẽ là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam.
Hiện có 25 trong Top 500 công ty hàng đầu của Mỹ có kế hoạch đầu tư vào những dự án lớn của Việt Nam. Các tập đoàn Intel, Chevron, Starwood Hotels & Resorts, Citigroup & American Group, New York & Company, Alfonso DeMatteis, Dickerson Knight Group, AIA… đã khẳng định được chỗ đứng của mình tại thị trường Việt Nam. Đây là minh chứng tốt nhất về thành công của nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, thuyết phục các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam.
Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam có thể chia thành những giai đoạn sau:
Giai đoạn thứ nhất (1994 - 2001): Trước khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) được ký kết. Thời kỳ này, hàng loạt các công ty đa quốc gia đã đến Việt Nam để đặt nền tảng cho cơ hội phát triển dài hạn như Pepsico, Coca-Cola, Cargil, 3M, P&G, Kimberly-Clark... Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam giai đoạn này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp (công nghiệp nặng và dầu khí) và các ngành dịch vụ. Các công ty đã xây dựng nhà máy và bán sản phẩm trực tiếp tại Việt Nam, nhằm tận dụng chi phí nhân công rẻ, làm hạ giá thành, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, tuy nhiên chưa chú trọng đến hoạt động xuất khẩu.
Giai đoạn thứ hai (2001-2007): Khi Việt Nam và Mỹ phát triển các mối quan hệ thương mại song phương với việc nhiều dòng thuế giảm mạnh (từ 45% xuống còn 3%). Dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực mà Việt Nam có hàng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, giày dép, chế biến gỗ và hàng nội thất. Điều này đã góp phần đưa thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ tăng từ mức 1,5 tỷ USD (năm 2001) lên 24,9 tỷ USD (năm 2012).
Giai đoạn thứ ba (2007 - 2012): Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, trong đó, Tập đoàn công nghệ Intel (Mỹ) đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy đặt tại khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước chuyển biến dòng vốn đầu tư từ Mỹ với nguồn vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Các khoản đầu tư này đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng thương mại song phương đạt 22 tỷ USD (năm 2011).
Giai đoạn thứ tư (bắt đầu từ năm 2013 đến nay): Khi các công ty nhượng quyền thương mại của Mỹ đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam: KFC, Subway, Burger King, Coffee Bean & Tea Leaf, Pizza Hut, Pizza Domino... Nhiều công ty đầu tư Mỹ đã rót dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam. Ví dụ KKR đã đầu tư 359 triệu USD vào Masan và Texas Pacific Group đầu tư 50 triệu USD vào Masan Agriculture nhằm nắm bắt cơ hội tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Hiện nay, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khách sạn, resort và ăn uống với 17 dự án có tổng vốn đầu tư đạt 4.68 tỷ USD (chiếm khoảng 42% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với 323 dự án và tổng vốn đầu tư là 2.24 tỷ USD (chiếm khoảng 20% vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Đây cũng là lĩnh vực thu hút nhiều dự án nhất của Mỹ tại Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 14 dự án có vốn đăng ký gần 2.09 tỷ USD (chiếm khoảng 19% về vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam).
Khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Mỹ đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài (chiếm 75% về vốn đăng ký) với 593 dự án và 8.24 tỷ USD vốn đăng ký. Hình thức liên doanh có 111 dự án với 2.59 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 24% về vốn đăng ký). Còn lại là hai hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trừ lĩnh vực dầu khí, các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại 42/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm kinh tế phía Nam, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Xét về số lượng dự án, TP. Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Mỹ nhất nhưng đa phần là các dự án quy mô vốn nhỏ (298 dự án với 771 triệu USD tổng vốn đầu tư; chiếm 41,8% tổng số dự án và 6,5% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Quy mô trung bình dự án FDI Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh là 2,3 triệu USD; nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ trên cả nước.