Việt Nam sẵn sàng hợp tác cung cấp lúa gạo cho các thị trường quốc tế
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới, nhằm trao đổi về tình hình thị trường lúa gạo toàn cầu, xu hướng biến động trong thời gian tới và khuyến nghị các giải pháp phù hợp đưa ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững.
Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, còn có các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức quốc tế.
Thời gian qua, thị trường lúa gạo có nhiều biến động và khó đoán định do một số nước dừng xuất khẩu, các vấn đề địa chính trị, xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Để đánh giá tình hình thị trường lúa gạo từ nhiều góc nhìn khác nhau, hội thảo có sự tham gia chia sẻ, đánh giá, phân tích của các chuyên gia, diễn giả hàng đầu thế giới. Thông qua đó sẽ giúp các nhà quản lý, người dân và các doanh nghiệp có định hướng giải pháp phù hợp trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trong bối cảnh nhu cầu lương thực toàn cầu và vai trò quan trọng của ngành hàng lúa gạo, Hậu Giang có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước ngọt. Với hệ thống sông, kênh, rạch dài hơn 2.300km, tỉnh đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa sang các giống chất lượng cao và xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn. Hậu Giang có diện tích đất trồng lúa là 78.890ha, chiếm 56,2% diện tích đất nông nghiệp, hàng năm sản xuất cho ra gần 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt.
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT triển khai Đề án “Phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, Hậu Giang đăng ký tham gia đến năm 2025 là 28.000ha; đến năm 2030 là 46.000ha. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến, hội thảo lần này là cơ hội để trao đổi, đánh giá, phân tích chuyên sâu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, công khai, minh bạch nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng… để cùng tìm ra giải pháp cho ngành hàng lúa gạo phát triển xanh, sạch hơn, bền vững hơn.
Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cũng như giúp người nông dân có thêm doanh thu khi giá gạo thế giới liên tục tăng.
Theo kịch bản an toàn nhất mà Bộ NN&PTNT tính toán, mỗi năm Việt Nam còn dư khoảng 13-14 triệu tấn lúa, tương đương hơn 7 triệu tấn gạo. Do đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia để ký các bản ghi nhớ về cung cấp lúa gạo trong thời gian dài. Các bản ghi nhớ sẽ giúp Việt Nam có thêm động lực để xây dựng những vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ xuất khẩu, giúp ích trực tiếp cho người nông dân.