Việt Nam sẽ sớm đón đợt bùng nổ FDI lớn thứ 4 lịch sử?
Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới được kỳ vọng là lực đẩy đưa làn sóng thu hút FDI lần thứ 4 sớm bùng nổ tại Việt Nam.
Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27- 30/11/2023.
Đáng chú ý, tối 27/11, ngay sau cuộc hội đàm thành công, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cùng gặp báo chí, thông báo quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu
Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức chung về tính cấp thiết trong việc thúc đẩy các dự án kinh tế lớn, bao gồm các dự án sử dụng nguồn ODA và FDI của Nhật Bản, khẳng định sẽ xác định cụ thể các dự án này sớm nhất có thể, từ đó nghiên cứu khả năng thiết lập nhóm công tác điều phối giữa hai Chính phủ tại Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn này.
Đặc biệt, trong một số lĩnh vực mới như năng lượng, môi trường, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực lưới điện thông minh, thành phố thông minh, phát triển thị trường điện, nội địa hóa ngành năng lượng. Việt Nam - Nhật Bản sẽ tăng hợp tác trong phát triển và đổi mới sáng tạo lĩnh vực kinh tế số, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững….
Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thu hút thêm dòng vốn Nhật vào Việt Nam. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy đến 20/9, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD, xếp thứ 3 trên 143 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Theo khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI toàn cầu. Việt Nam là điểm đến FDI lớn thứ 2 của Nhật Bản trong 6 năm liên tiếp. Đây là những dấu hiệu hết sức tích cực. Phát triển kinh tế của Việt Nam được duy trì hằng năm. Nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng sau một vài năm khó khăn. Trong đó, các lĩnh vực như số hoá, công nghệ thông tin rất vững chắc.
“Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục suy giảm, tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai”, vị đại diện Jetro chia sẻ.
Quyết định nâng cấp quan hệ diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đưa Nhật Bản trở thành nước thứ 6 mà Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Cách đây hơn 2 tháng, Việt Nam – Hoa Kỳ cũng chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Với những mối quan hệ chính trị tốt đẹp trên, nhiều kỳ vọng về dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bùng nổ rót vốn vào Việt Nam trong thời gian tới. Đây còn được gọi là làn sóng bùng nổ FDI thứ 4 vào Việt Nam. Trong quá khứ, Việt Nam đã chứng kiến 3 đợt bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể. Lần đầu tiên xảy ra khi Honda Motor bắt đầu sản xuất xe hai bánh tại Việt Nam vào năm 1997. Làn sóng thứ 2 kéo dài từ những năm 2000 đến năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ, gây ra khủng hoảng tài chính toán cầu. Trong khoảng thời gian này, Samsung Electronics đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại thông minh tại Bắc Ninh năm 2009.
Lần bùng nổ thứ ba, dường như đã diễn ra mạnh mẽ vào giữa những năm 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài.
Cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều phái đoàn doanh nghiệp nước ngoài cũng sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một đoàn Thương mại bao gồm 21 doanh nghiệp và tổ chức vùng Wallonie (Bỉ) thuộc các lĩnh vực xây dựng (vật liệu, kỹ thuật xây dựng dân dụng), Dịch vụ kỹ thuật số, Thực phẩm và đồ uống, Thực phẩm chức năng, Trang thiết bị y tế, Thiết bị công nghiệp và kỹ thuật công nghiệp... đang có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Ông Jean Piere Muller, Tham tán thương mại Cơ quan xuất khẩu và đầu tư vùng Wallonie tại Việt Nam cho biết, với con số 21 doanh nghiệp tham gia có lẽ nhiều người nghĩ rằng “rất ít”. Tuy nhiên, khi nhìn vào vùng Wallonie có 3,5 triệu dân, chỉ có khoảng 600 doanh nghiệp thì rõ ràng số lượng doanh nghiệp trên là rất lớn, đây cũng là đoàn công tác lớn nhất từ trước tới giờ.
Trong khi đó, bà Pascale Delcomminette, Giám đốc điều hành cơ quan xuất khẩu và đầu tư vùng Wallonie, Vương Quốc Bỉ cho biết sự năng động của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là yếu tố quyết định để các nhà đầu tư Bỉ quan tâm tới thị trường Việt Nam. Vùng Wallonie có nền tảng phát triển các ngành kinh tế khoa học, hậu cần, hàng không vũ trụ… Theo đó, chúng tôi mong muốn được tìm kiếm cơ hội để đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. “Khi bắt đầu chuyến công tác này, tôi đã thấy rõ cơ hội đang mở ra ở phía trước”, bà nói.
Cũng trong tháng 11, phái đoàn năng lượng Anh đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Phái đoàn tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, truyền tải và lưu trữ năng lượng.
Ông Denzel Eades – đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam nhấn mạnh: “Vương quốc Anh tin tưởng vào tiềm năng của thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và các bước tiến tích cực về mặt chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian qua. Các doanh nghiệp Anh với kiến thức chuyên môn sâu rộng rất mong được đóng góp vào thị trường sôi động này”.
Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc và Cổ đông Sáng lập Tập đoàn VinaCapital, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết. Qua khảo sát sơ bộ, nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến câu chuyện chuyển đổi xanh và tiềm năng của lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt là ngành bán dẫn, chip. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam hút thêm dòng vốn trung dài hạn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Daniel Nguyen, Phó Chủ tịch Ủy ban về Phát triển Kinh tế và Doanh nghiệp nhỏ, Thành viên Ủy ban bán dẫn Hạ viện bang Oregon chia sẻ, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển chất bán dẫn. Hiện Hoa Kỳ đã rà soát lại khung pháp lý của Việt Nam và đã dành khoản đầu tư 240 triệu USD để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn. Trong đó có 40 triệu USD được dành riêng để đầu tư vào dự án mới liên quan đến lĩnh vực này. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng nguồn lực để phát triển công nghiệp bán dẫn của mình.
Theo ông Daniel Nguyen, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, huy động nguồn lực tư nhân, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Trong khi đó, vị đại diện Jetro nhìn nhận, Việt Nam cần tập trung vào ngành chế tạo, đổi mới sáng tạo để thịnh vượng hơn và đối phó với một số tình huống khó lường. Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ trở thành "đầu tàu" mới dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển.
“Chúng ta cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về giáo dục, y tế, tài chính, cắt bỏ rào cản về luật pháp để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng của bất cứ quốc gia nào nhưng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên không gian số”, đại diện Jetro nhìn nhận.