Làn sóng FDI Hàn Quốc vào miền Trung đang "nở rộ"
Theo ông Kang Boo Sung, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến việc đầu tư vào khu vực miền Trung. Hiện, khu vực này có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động.
Doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển dòng vốn về miền Trung
Hiện, hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc đang "nở rộ" hơn bao giờ hết. Đặc biệt, Hàn Quốc giữ vị trí số một về đầu tư trực tiếp; thứ 2 về hợp tác phát triển, du lịch và lao động; thứ ba về hợp tác thương mại.
Xác định vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế, nhiều địa phương khu vực miền Trung đã và đang đẩy mạnh thu hút FDI với nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, hỗ trợ đào tạo lao động, nhập khẩu trang thiết bị tạo tài sản cố định dự án…
Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp giúp hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc, từ khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động, tạo sự tin tưởng rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Tại miền Trung, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã triển khai nhiều dự án hợp tác hiệu quả như: Tập đoàn Huyndai, Tập đoàn khách sạn hàng đầu Hàn Quốc The Shilla Hotels & Resorts tại Quảng Nam; Tập đoàn LG, Tập đoàn Lotte, Detium tại Đà Nẵng; Tập đoàn Doosan ở Quảng Ngãi…
Theo ông Kang Boo Sung, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 7 năm nay, Hàn Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 83 tỷ USD; đứng thứ hai về số vốn đầu tư mới (hơn 2,3 tỷ USD).
Trong lĩnh vực thương mại, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức khoảng 500 triệu USD, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 160 lần trong 30 năm qua, đạt 81,1 tỷ USD vào năm 2022 và hai nước hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau.
Cho đến nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tập trung nhiều hơn ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Nhưng nhờ chính sách phát triển cân bằng giữa các khu vực của Việt Nam và hoạt động thu hút đầu tư tích cực của chính quyền các địa phương nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến khu vực miền Trung hơn trước.
"Hiện, đang có khoảng 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại khu vực miền Trung Việt Nam. Tôi tin rằng sự thành công của các doanh nghiệp này sẽ là những ví dụ điển hình để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung hơn nữa", ông Kang Boo Sung nói.
Địa phương miền Trung rộng cửa đón doanh nghiệp Hàn Quốc
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.016 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD.
Đà Nẵng rất chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xác định Hàn Quốc là thị trường trọng điểm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian đến. Tính đến nay, thành phố có 268 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn hơn 362 triệu USD, xếp thứ 5 về số vốn đăng ký đầu tư trong danh sách 45 vùng/lãnh thổ có dự án đầu tư tại Đà Nẵng.
"Các dự án đầu tư của Hàn Quốc đều được triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Thành phố ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian qua", ông Minh chia sẻ.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, địa phương này có 67 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2 tỷ USD; riêng doanh nghiệp FDI Hàn Quốc có 15 dự án đang hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 360 triệu USD; trong đó, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vian đầu tư hơn 300 triệu USD và hiện đang sản xuất kinh doanh rất tốt.
Chưa hết, tại tỉnh Quảng Nam, hầu hết các dự án đầu tư vào tỉnh đều gặt hái thành công, đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Văn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện, có tổng cộng hơn 1.100 dự án đầu tư trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký hơn 225.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có tổng cộng 193 dự án FDI đang triển khai với tổng số vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD.
"Hàn Quốc là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 58 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD; chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ…", ông Văn thông tin.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, địa phương rất quan tâm mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hàn Quốc có năng lực tài chính, công nghệ đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác.
Còn ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ngãi mong muốn, thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị (kết nghĩa) với các địa phương của Hàn Quốc nhằm thực hiện tốt các công tác xúc tiến, vận động, thiết lập quan hệ hai bên, xác định đây là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế giai đoạn 2023-2025.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ngãi mong nhận được nhiều thông tin về thị trường, chiến lược thị trường của Hàn Quốc và doanh nghiệp Hàn Quốc để định hướng và triển khai hiệu quả hoạt động xuất khẩu các nhóm sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy hải sản; cũng như hợp tác nguồn nhân lực (đào tạo, đưa người lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn)…