Việt Nam sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu trên nguyên tắc công lý, công bằng

Hằng Nguyễn

Việt Nam sẽ ứng phó với biến đối khí hậu (BĐKH) trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả; đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Việt Nam chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về BĐKH

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, BĐKH được cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại thế kỷ 21. Các nhà khoa học cảnh báo, Trái đất đang có nguy cơ đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 nếu thiếu các nỗ lực giúp chấm dứt và đảo ngược các tổn hại về hệ sinh thái.

Trước bối cảnh đó, thời gian qua, Cục BĐKH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tổ chức các nhóm chuyên gia xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH.

Mục tiêu của Chiến lược nhằm giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Thông tin chi tiết hơn về dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục BĐKH cho hay, BĐKH là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với BĐKH và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Việt Nam sẽ ứng phó với BĐKH trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

Mặt khác, tại dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH nêu rõ, ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Quá trình này cần sự nỗ lực liên tục, kiên định, thống nhất trong nhận thức và hành động.

Do vậy, giải pháp cấp bách, ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Có cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư cho ứng phó với BĐKH

Để ứng phó hiệu quả với BĐKH trong trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung nguồn lực cho ứng phó với BĐKH; có cơ chế tài chính khuyến khích đầu tư cho ứng phó với BĐKH theo hướng phát triển kinh tế ít phát thải. Phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Đồng thời, tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.

Để đạt được khát vọng cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26), ông Bruce Delteil - Giám đốc Điều hành McKinsey tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung vào 5 vấn đề ưu tiên sau:

Thứ nhất, phi carbon hóa cần là một ưu tiên đối với Việt Nam bởi BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam thông qua những rủi ro vật lý, cũng như rủi ro trong quá trình chuyển đổi.

Thứ hai, có lộ trình để đạt đến trạng thái phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua những nỗ lực liên ngành, huy động sự tham gia của toàn xã hội.

Thứ ba, lĩnh vực năng lượng điện cần được ưu tiên đặc biệt. Trong đó, để đạt được trạng thái “Zero”, Việt Nam cần lặp đặt 70GW điện mặt trời và 150 GW điện gió vào năm 2050.

Thứ tư, điện khí hóa phương tiên giao thông đường bộ sẽ là một lĩnh vực trọng tâm khác mà Việt Nam cần quan tâm nhất là trong bối cảnh đã tiên phong trong việc triển khai ứng dụng xe điện 2 bánh.

Thứ năm, cần có nỗ lực phối hợp giữa tất cả các ngành để đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa, đặc biệt trong việc thực hiện các đòn bẩy quan trọng như đường sắt cao tốc, giao thông công cộng và chuyển đổi sang sản xuất chế tạo tiên tiến.

Như vậy, việc Việt Nam có đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong bảo vệ môi trường. Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH là cơ sở pháp lý quan trọng để đưa ra lộ trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm sớm hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP 26.