Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới hợp tác tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu
Chiều ngày 10/6/2022, tại Trụ sở Bộ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Sebastian Eckardt - Giám đốc phụ trách Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á – Thái Bình Dương về vấn đề tài chính cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tham dự buổi làm việc, về phía WB, có ông Sebastian Eckardt – Giám đốc phụ trách Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, WB khu vực Đông Á – Thái Bình Dương; bà Dorsati Madani – Chuyên gia kinh tế cao cấp; ông Ketut Kusuma – Chuyên gia cao cấp về Khu vực tài chính; bà Vũ Hoàng Quyên – Chuyên gia tài chính công cao cấp. Về phía Bộ Tài chính, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam và thế giới đã có nhiều sự biến đổi sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 diễn ra. Thêm vào đó, những xung đột gần đây giữa Nga – Ukraine đã đưa đến một cuộc khủng hoảng giá về năng lượng và nguyên liệu. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phòng, chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã từng bước nghiêm túc thực hiện những cam kết, mới đây nhất là việc không cấp phép thêm cho các nhà máy điện than hoạt động hay việc bắt đầu xây dựng các nhà máy điện khí.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng thông tin, công tác phòng, chống biến đổi khí hậu và giảm rác thải nhà kính đang là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ Việt Nam quan tâm. Đặc biệt, sau Hội nghị COP 26 diễn ra tại Anh vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban đã giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình hành động về công tác phòng chống biến đổi khí hậu. Bộ Tài chính tham gia trong công tác xây dựng các cơ chế chính sách tài chính và vấn đề nguồn lực để triển khai kế hoạch hành động này. Việc huy động các nguồn vốn từ Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, ngân hàng, khu vực tư nhân… là hết sức quan trọng trong bối cảnh ngân sách Việt Nam còn eo hẹp.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cảm ơn và đánh giá cao WB đã cung cấp cho Việt Nam những thông tin hữu ích trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách và quản lý những vấn đề tài chính, kinh tế vĩ mô trong phòng chống biến đổi khí hậu. Theo Thứ trưởng, vấn đề tài chính cho chống biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh của Việt Nam, đồng thời cũng là nội dung quan trọng để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam tại COP-26.
Vấn đề tạo lập thị trường carbon cũng được đề cập tới trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đây là vấn đề Việt Nam sẽ phải hướng tới. Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ một số địa phương tại miền Trung Việt Nam tham gia thí điểm chương trình này.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn trong thời gian tới, WB sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, tích cực kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính.
Đồng tình với các ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Võ Thành Hưng, ông Sebastian cho rằng, vai trò của Bộ Tài chính trong vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Về khía cạnh thích ứng, WB đánh giá cao những ý kiến tham luận của Việt Nam trong thực hiện đưa phát thải ròng bằng “0”.
“Tôi rất vui khi Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu khi đã có Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR). Với báo cáo này, chúng ta đã có thể có những phân tích tổng quát nhất để Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng có một bức tranh toàn cảnh trong vấn ứng phó biến đổi khí hậu” – ông Sebastian chia sẻ.
Đại diện WB cũng gửi lời cảm ơn Bộ Tài chính đã dành thời gian tiếp đón và có những trao đổi thẳng thắn, sâu sắc. Ông Sebastian khẳng định, WB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhà kính.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các nội dung cùng quan tâm như: rủi ro tài khóa, khả năng quản lý ngân sách và các nguồn vốn vay của địa phương, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài...