Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu:

Việt Nam tận dụng cơ hội vàng

Theo dddn.com.vn

Hiệp định Thương mại tự do VN – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) là FTA thứ 10 của VN nhưng đây lại là FTA đầu tiên mà EAEU ký với đối tác bên ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một mình một cửa tiến vào EAEU với tư thế của người tiên phong sẽ là lợi thế mà các DN VN chưa bao giờ có được.

Mua tận gốc bán tận ngọn

Là người đã từng nhiều năm kinh doanh tại EAEU, ông Nguyễn Cảnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Eurowindow cho biết, với thị trường này, các DN VN hoàn toàn có cơ hội “mua tận gốc – bán tận ngọn”. Nếu biết liên kết các DN của chúng ta có thể tự tạo một chuỗi giá trị riêng cho nhiều dòng sản phẩm xuất khẩu vào EAEU. Việc thoát khỏi cảnh nền kinh tế gia công cho các nền kinh tế khác ở thị trường EAEU là hoàn toàn trong khả năng.

Liên minh Kinh tế Á – Âu có bốn thành viên chính thức là Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia. Tổng dân số khối này có 182 triệu người và có GDP năm 2014 đạt khoảng hơn 2.200 tỉ USD. Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO của VCCI, Hiệp định EAEU là bước ngoặt với VN. Phần lớn các dòng sản phẩm của thị trường Nga và bốn nước khác trong liên minh rộng lớn này có khả năng bổ sung với VN nên lợi ích đối với các DN là rất lớn.

Bên cạnh đó, các thị trường, đặc biệt là Nga còn tương đối đóng do hàng rào thuế quan cao. Nga là quốc gia mới vào WTO năm 2012 nên họ vẫn có thuế quan cao đối với các nền kinh tế khác. Hơn nữa, đây là FTA đầu tiên của họ nên EAEU chưa dành quy chế thương mại tự do cho đối tác nào. VN một mình một cửa sẽ là một lợi thế vô cùng lớn. Mặc dù hiện tại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN với các đối tác EAEU chỉ đạt khoảng hơn 2 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh, đến năm 2020, con số này sẽ được nâng lên mức 10 – 12 tỷ USD.

9.927 dòng thuế sẽ được cắt giảm

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc – Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương, hiện tại, thị trường EAEU nhập khẩu chính từ VN các sản phẩm như điện thoại và linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả. Trong khi đó, xuất khẩu chính sang VN các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị.

Với việc ký kết FTA trên, một số mặt hàng thế mạnh của VN sẽ được ưu đãi khá cao. Ngành dệt may sẽ có 82% tổng số dòng thuế cam kết cắt, giảm. Trong đó 42% số dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn, có lộ trình, tối đa trong 10 năm. Ngành da giày, dép, túi xách cũng có 77% dòng thuế cắt giảm ngay. Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản với 95% số mặt hàng mở cửa hoàn toàn, ngành đồ gỗ có 76% số mặt hàng được cắt giảm thuế, ngành nhựa 100% mặt hàng cắt, giảm thuế…

Ông Bùi Hồng Minh – Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến cáo, theo Hiệp định FTA trên, hai bên cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng thuế (87,4-95,7%). Đây sẽ là một cơ hội “vàng” của DN VN. Bởi vì, khoảng 53% tổng số dòng thuế xuống 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, dự kiến vào 01/1/2016 khi Bộ Tài chính hoàn tất thông tư hướng dẫn biểu thuế. Để chủ động chiếm lĩnh thị trường, ông Nguyễn Cảnh Sơn cho biết, hiện tại chúng ta đang có một đội ngũ khá đông đảo các DN do doanh nhân VN thành lập và hoạt động nhiều năm tại EAEU. Kết nối khu vực DN này với các DN trong nước sẽ giúp chúng ta sớm có những dòng sản phẩm với chuỗi giá trị riêng biệt.

Khi DN ở cả hai đầu có sự kết nối chặt chẽ cũng có nghĩa chúng ta đã nhân đôi lợi thế. Vừa lợi thế về mặt ưu đãi thuế quan vừa lợi thế về mặt kinh nghiệm xúc tiến và phát triển thị trường.