Việt Nam: Thành tựu kinh tế thầm lặng của châu Á
Được ca ngợi là ngôi sao mới nổi của nền kinh tế Đông Nam Á, Việt Nam đang có những chuyển biến đáng kể cả về kinh tế và văn hóa nhờ Chính sách Đổi Mới kinh tế. Câu hỏi đặt ra hiện nay là tương lai đất nước sẽ phát triển đến đâu?
Đến thời của các nhà khởi nghiệp và doanh nhân trẻ tuổi
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, Trương Mạnh Quân hiểu rõ hơn ai hết rằng cha mẹ anh đã phải làm việc vất vả thế nào để kiếm được số tiền tương đương vài trăm đô la mỗi tháng.
Chính sự cần cù vất cả ấy đã thôi thúc anh trau dồi bản thân để có thể tự lập công ty giúp đỡ gia đình và đóng góp cho đất nước. Là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Beeketing – diễn đàn marketing trực tuyến quốc tế rất phổ biến dành cho các doanh nghiệp, Trương Mạnh Quân nhớ lại việc rời trường trung học và sử dụng kỹ năng lập trình của mình, bao gồm cả công việc thiết kế trang web cho một đối tác người Anh.
Anh chia sẻ: “Công việc này dẫn tới công việc khác. Tôi đã sớm thành lập được một nhóm 4 người bạn đại học chuyên thiết kế trang web cho khách hàng phương Tây. Sau đó, trong một lần đến San Francisco và Thung lũng Silicon, tôi gặp rất nhiều kỹ sư Việt Nam và Trung Quốc làm việc trong các tập đoàn lớn như Facebook hay Google. Công việc tương tự nhưng thu nhập của họ lớn gấp 10 lần thu nhập trung bình của kỹ sư phần mềm Việt Nam. Khi đó tôi đã nhận ra chúng tôi cũng có thể chế tạo phần mềm và xuất sang thị trường Mỹ.”
Hiện nay, Quân là một trong các nhà lãnh đạo của thế hệ doanh nhân mới, những người đang đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới bên cạnh các lĩnh vực truyền thống mũi nhọn như sản xuất.
Anh cho biết Việt Nam hiện đang là nước có đông kỹ sư phần mềm nhất ở Đông Nam Á với rất nhiều doanh nghiệp về phần mềm như Samsung, Intel hay ứng dụng đặt xe Grab.
Thay vì đóng vai trò là cơ sở gia công công nghệ cho các quốc gia như Nhật Bản, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt đủ khả năng chế tạo hoàn thiện một sản phẩm nào đó. Cùng với sự góp sức từ các Việt kiều giỏi, khả năng tiếp cận các kỹ năng kinh doanh như marketing và phát triển sản phẩm sẽ được nâng cao.
“Tôi nghĩ là đã đến thời của các nhà khởi nghiệp và doanh nhân trẻ tuổi” Quân cho hay.
Bước ngoặt ấn tượng
Kể từ công cuộc đổi mới chính sách kinh tế năm 1986, Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể, trở thành đất nước có nền kinh tế thị trường, tạo ra nhiều của cải, phát triển thương mại và thu hút nhiều vốn đầu tư. Trong 30 năm qua, nền kinh tế liên tục phát triển với mức tăng trưởng GDP bình quân 6,6 % một năm.
Hiện đang là nước có mức thu nhập trung bình với 96 triệu dân, Việt Nam đang chú trọng đầu tư giáo dục và đào tạo, lấy ưu thế là thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế để liên tục hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Theo báo cáo từ Dịch vụ Đầu tư Moody với tiêu đề “Triển vọng của Việt Nam: Khả năng phục hồi trong bối cảnh thị trường mới nổi đầy biến động”, Việt Nam tiếp tục phát triển, bất chấp những bất ổn tài chính và thương mại gần đây đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế Đông Nam Á. Sau mức tăng trưởng GDP thực tế năm 2017 là 6,8%, Moody dự đoán trong năm tiếp theo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7%, xuất khẩu điện tử và dệt may tiếp tục phát triển, nông nghiệp có sự phục hồi nhẹ và đầu tư nước ngoài ổn định.
Thị trường trong nước nói chung và ngành du lịch nói riêng phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn một tương lai đầy triển vọng.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân FCPA (Aust.), Tổng giám đốc PwC Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt khi chính phủ sớm thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong các lĩnh vực như giải quyết nợ xấu và nâng cao chất lượng nguồn đầu tư công.
Bà Vân nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn là thị trường thu hút các nhà đầu tư. Bà cho biết: “Nếu không có thay đổi gì đáng kể, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ hiện nay.”
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây lại đang trở thành tiềm năng phát triển của Việt Nam khi mà hàng loạt các công ty đa quốc gia như LG, Foxconn, Samsung lựa chọn đưa một số dây chuyền sản xuất lợi nhuận cao sang Việt Nam. Theo bà Vân, mặc cho sức ảnh hưởng của đồng đô la lên thị trường tài chính và các xung đột thương mại đang tác động lên khu vực, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo hướng rất tích cực.
“Rõ ràng chúng ta đang chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột thương mại. Nhưng đồng thời ta cũng thấy rằng, ngày càng nhiều công ty chọn Việt Nam như một điểm đến an toàn để tránh khỏi căng thẳng giữ Mỹ và Trung Quốc.”
Các chuyên gia tin tưởng Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng nhiều nhất sẽ tiếp bước những con hổ châu Á như Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Nghiên cứu nội bộ của PwC cũng chỉ ra những thông tin tích cực về Việt Nam. Trong bài báo “Viễn cảnh: Trật tự kinh tế thế giới trong năm 2050”, PwC dự đoán rằng cho đến năm 2050 Việt Nam sẽ nằm trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và top 10 châu Á.
Bà Vân cho biết lực lượng lao động trẻ và đang phát triển (45% dân số dưới 30 tuối), nền kinh tế cạnh tranh (lực lượng lao động có tay nghề ngày càng cao với giá thành hợp lý) và một Chính phủ hết lòng vì sự phát triển (sẽ tạo môi trường kinh doanh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài) sẽ là các yếu tố thu hút đầu tư.
Trong khi kêu gọi đất nước không nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình, bà Vân nói thêm rằng các lĩnh vực khác như dịch vụ bán lẻ, năng lượng tái tạo và sản xuất cũng có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng.
Đầu tư vào thế hệ tương lai
Theo nhận định của các nhà đổi mới như Beeketing, chương tiếp theo trong quá trình trỗi dậy của Việt Nam chính là sự phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, hứa hẹn thúc đẩy một thế hệ tài năng mới.
Công ty cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ICM (Innovation Capital Management) là một tổ chức đa vốn trong lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp đặt những bước đi đầu tiên trên thương trường.
Với mục tiêu ấy, ICM có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới. Chủ tịch ICM, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng thành công của thế hệ doanh nhân Việt Nam đi trước tại thị trường nước ngoài đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn doanh nhân trẻ theo đuổi đam mê và ước mơ của mình.
Ông Đức cho rằng thế hệ những nhà sáng tạo trẻ có lợi thế rất lớn bởi họ được học tập tại nước ngoài; họ có những ước mơ mang tầm cơ thế giới; có tầm nhìn sâu rộng; và được học hỏi kinh nghiệm từ thế hệ trước.
Ông tin rằng sự gián đoạn công nghệ trong các lĩnh vực tài chính, y học, giáo dục và nông nghiệp cùng sự ra đời của Internet và trí tuệ nhân tạo mở ra cơ hội sáng tạo cho các doanh nhân Việt Nam. Theo ông, chìa khóa dẫn tới thành công là tiếp tục hài hòa giữa các ý tưởng và mô hình kinh doanh thông minh thông qua việc trò chuyện với khách hàng, nhà đầu tư và các nhà tư vấn.
Ông Đức đưa ra 2 ví dụ thành công của 2 doanh nghiệp Smiling Mushroom – công ty thực phẩm hữu cơ và Hana – công ty công nghệ đã ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo trong việc thiết kế phần mềm. Ông cho biết văn hóa khởi nghiệp hiện nay đang thay đổi bản chất kinh doanh tại Việt Nam.
“Thông qua những thành công và nỗ lực của mình, họ đã góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân tương lai.”
Hệ thống ngân hàng lành mạnh là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì quá trình đầu tư và đổi mới tài chính. Bà Nguyễn Thùy Dương FCPA (Aust.), Lãnh đạo dịch vụ tài chính và tư vấn công nghệ thông tin tại EY Việt Nam phải thừa nhận rằng ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây đã trải qua rất nhiều sóng gió.
Trong cuộc thanh trừng tội phạm tham nhũng của Chính phủ, hàng chục quan chức ngân hàng và nhân viên các doanh nghiệp đã được đưa ra trước vành móng ngựa do các sai phạm tài chính, bao gồm gian lận và vi phạm nguyên tắc quản lý.
Bà Dương cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử, rất nhiều Chủ tịch và Giám đốc phải trình diện trước Pháp luật bởi hành vi sai phạm của mình.
Sau sự kiện thanh trừng này cùng sự phát triển của ngân hàng điện tử, bà Dương hi vọng vào một môi trường ngân hàng mạnh mẽ hơn để tạo những ảnh hưởng tích cực hơn đến nền kinh tế nói chung.
“Sự phát triển tích cực của ngành ngân hàng góp phần không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung.”
Bà cũng cho biết các tổ chức đầu tư quốc tế lớn như BlackRock và GIC đang bắt đầu mở rộng tại Việt Nam.
“Họ muốn gia nhập thị trường Việt Nam vì họ thấy được tiềm năng phát triển tại đây.”
Việt Nam trong năm 2019 và trong tương lai
Những năm sắp tới sẽ mang lại cho Việt Nam những điều mới mẻ gì? Các nhà kinh tế chắc chắn sẽ đề cập tới vấn đề “thiếu hụt trung gian”, trong đó đề cập đến sự vắng mặt của khu vực tư nhân trong nước mạnh mẽ ở Việt Nam và sự tiếp tục thống trị của khu vực nhà nước. Tuy nhiên, trọng tâm trong tương lai đến từ các sáng kiến như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và 11 quốc gia khác.
Bà Dương tin rằng sự kết hợp giữa ba lực lượng: một chính phủ mạnh mẽ và minh bạch hơn; tăng trưởng đầu tư nước ngoài; và sự gia tăng động lực giữa các doanh nhân và các tập đoàn thuộc sở hữu công cộng; cùng với sự phát triển của các đặc khu kinh tế mới là tín hiệu tích cực cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Đức cũng tin tưởng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực như nông nghiệp, y học, tài chính, bất động sản, khách sạn và du lịch.
“Kỳ vọng của tôi không chỉ dựa trên sự tăng trưởng của Việt Nam mà còn dựa trên những bất lợi cạnh tranh của các nước láng giềng khác.”
Bà Vân của PwC hy vọng những cam kết của chính phủ sẽ cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cho những doanh nhân trong nước và quốc tế.
“Tôi nghĩ đây là một thời điểm tốt cho Việt Nam. Thách thức đối với chúng tôi là tận dụng các cơ hội để đạt được tăng trưởng.”
Anh Trương Mạnh Quân lại rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển lớn nhờ vào lực lượng lao động ngày càng hoàn thiện và văn hóa sản xuất của Việt Nam. Anh tin rằng tinh thần kinh doanh đã giúp doanh nghiệp của mình tiếp cận được thị trường tế rộng lớn hơn nhờ phát triển các công nghệ có ảnh hưởng lớn tới ngành thương mại điện tử toàn cầu.
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một quốc gia bị đánh giá thấp về các cơ hội kinh doanh toàn cầu. Bây giờ là cơ hội để chúng ta làm nên kỳ tích mới.”