Kinh tế Việt Nam đang diễn biến tích cực, nhưng phải lường trước các rủi ro
Dù kinh tế Việt Nam vẫn trong xu thế tích cực, với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, song những cảnh báo về việc phải lường trước các rủi ro tác động bất lợi tới nền kinh tế cũng đã bắt đầu được đưa ra.
Ngay cả Ngân hàng Thế giới (WB), trong một công bố mới đây, cũng đã nhấn mạnh việc đà tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại từ đầu năm và nguyên nhân là do những tác động của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Từ dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp, đến sức cầu yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.
Đây là thực tế, bởi nếu nhìn vào các số liệu thống kê kinh tế 6 tháng đầu năm nay, sẽ không quá khó để nhận ra rằng, tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ và nông - lâm nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp đều giảm tốc so với năm ngoái. Ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,3%, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái, mức tăng là 3,07%. Hơn thế, tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 7,3% thay vì 19,4% của 6 tháng đầu năm 2017 và 16,4% cùng kỳ 2018.
Các động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong năm 2018, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm ngoái, đã gần tới hạn. Không có thêm nhiều dự án lớn như Formosa hay Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của Samsung cũng đang dần chững lại. Chỉ có nhân tố mới là VinFast, song tác động tới nền kinh tế ra sao trong 6 tháng cuối năm cũng vẫn còn là ẩn số…
Một cách thẳng thắn thì mức tăng trưởng 6,76% trong nửa đầu năm 2019 vẫn là mức tăng trưởng khá, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang chứa đựng nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế trên thế giới đang chậm lại, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Với mức tăng trưởng này, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% được cho là không quá khó khăn. Tuy nhiên, kỳ vọng về một năm 2019 bứt phá, tăng trưởng cao hơn cả năm 2018, để tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển về sau, trước mắt là năm 2020 - năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng như Chiến lược 10 năm 2011-2020 - là thách thức vô cùng khó khăn.
Nhiều dự báo cho thấy, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, bất kể chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiến triển tốt. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất cao và định hướng xuất khẩu.
Trong bối cảnh ấy, chính WB đã đưa ra cảnh báo rằng, Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tạo thuận lợi hơn cho tăng trưởng, bao gồm cả việc điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm kích thích tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế.
Thực tế, vẫn có rất nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang diễn biến tích cực. Đơn cử, Chỉ số mua hàng nhà quản trị (PMI) của Việt Nam trong tháng 6 tiếp tục tăng, đạt 52,5 điểm, trong khi nhiều nền kinh tế ở châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan, PMI đều giảm xuống dưới 50. Điều này cho thấy, sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ tích cực trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự bứt phá lại là câu chuyện khác. Chính phủ sẽ họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm. Kỳ vọng rằng, sau phiên họp này, sẽ có thêm nhiều giải pháp để nền kinh tế có thể bứt phá trong những tháng cuối năm, tạo nền tảng để kinh tế 2019 tăng tốc.