Việt Nam thúc đẩy phát triển thị trường carbon, góp phần giảm biến đổi khí hậu

PV.

Hiện nay, Việt Nam ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế. Như vậy, nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đây sẽ là nguồn tài nguyên mới, mang lại nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Từ năm 2021, Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định. Việt Nam đã hoàn thành các cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Với sự quyết tâm, trách nhiệm và bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp này tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

Hiện nay, trên thế giới có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.

Còn tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế. Nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đây là những con số rất ấn tượng hứa hẹn là nguồn tài nguyên mới, nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này sẽ mang lại nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, góp phần không nhỏ bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

Thời gian tới, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2, Việt Nam cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, khi Việt Nam tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn làm được điều này, việc xây dựng, vận hành thị trường carbon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nguồn nhân lực và tài chính.

Để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…

Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường carbon nội địa, cũng như cơ hội để liên kết với các thị trường khác trong khu vực và thế giới, Việt Nam cần nâng cao tính sẵn sàng, đồng thời, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định để đảm bảo xây dựng và vận hành thị trường carbon thành công.