Việt Nam tích cực tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Ô nhiễm rác thải nhựa diễn ra trên toàn cầu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải đánh giá đúng thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam, có đối chiếu so sánh với các nước để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đàm phán.
Ngày 22/5/2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Ô nhiễm chất nhựa, ô nhiễm chất dẻo là sự tích tụ của nhựa các đối tượng và các hạt (ví dụ như chai nhựa, túi, cốc nhựa...) trong môi trường của Trái Đất mà ảnh hưởng xấu đến động vật hoang dã, môi trường sống hoang dã và con người. Việc các quốc gia cùng tham gia đàm phán một văn kiện ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết khủng hoảng về ô nhiễm nhựa là đề nghị của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trước tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn cầu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo đề xuất của UNEP, Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ hướng đến việc chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; Giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa, thúc đẩy nền kinh tế nhựa tuần hoàn.
Các nghĩa vụ được các quốc gia tập trung đàm phán, như việc loại bỏ dần hoặc giảm cung, cầu sử dụng nhựa polymer nguyên sinh; đối với sản nhựa có vấn đề, có thể cấm và loại bỏ dần từ việc giám sát sản xuất nguyên liệu thô, đưa vào kiểm soát nhập khẩu.
Các bên cũng sẽ bàn về việc cấm, loại bỏ dần hoặc giảm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng hóa chất và polymer, với các biện pháp như điều chỉnh thông qua lệnh cấm, loại bỏ dần, giảm bớt hoặc kiểm soát, yêu cầu xuất nhập khẩu; tăng tính minh bạch thông qua theo dõi phân loại và khối lượng, yêu cầu công bố thông tin, đánh dấu và dán nhãn.
Tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến, Ban công tác đàm phán của Việt Nam sẽ có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội sản xuất.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu. Nếu không kịp thời ngăn chặn, nhân loại sẽ chịu nhiều tác động và gánh hậu quả khó lường trong tương lai. Để chuẩn bị cho việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Thứ trưởng yêu cầu phải đánh giá đúng thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam, có đối chiếu so sánh với các nước để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đàm phán.
Bàn về việc tham gia đàm phán Thỏa thuận này, đại diện các Bộ, ngành đề nghị, Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa cần rà soát pháp luật trong nước, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, từ đó, xác định rõ giới hạn thực hiện của Việt Nam để đưa ra cam kết có tính khả thi cao.
Tại tọa đàm “Đánh bại ô nhiễm nhựa - Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam” diễn ra mới đây, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cảnh báo: “Ở Việt Nam, hiện nay, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật".