Việt Nam tiếp tục tiến nhanh trên các bảng xếp hạng quốc tế

Gia Hân (T/h)

Bức tranh kinh tế - xã hội tháng 5/2022 đã có những chuyển biến rất tích cực so với tháng trước và nhất là so với tháng 5/2021 – khi bắt đầu bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Cùng với xu hướng này, vị trí của Việt Nam trên hàng loạt các bảng xếp hạng đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy các kết quả, thành tựu của Việt Nam được bạn bè Quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor's Global Ratings (S&P) vừa nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023.

Trong bối cảnh triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới sau COVID-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ucraina, việc Việt Nam được một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới như S&P nâng hạng cho thấy góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Tổ chức này cũng đánh giá thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây với mức tăng trưởng thực 10 năm là 4,8%, cao hơn mức trung bình các quốc gia có thu nhập tương đồng.

Theo đánh giá mới nhất của Nikkei, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong Bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19. AMRO+3 đánh giá nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng ở mức 6,3% năm 2022 và 6,5% năm 2023; ADB và BIDV dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt 5,5 - 6% và sẽ cao hơn trong năm sau.

Vừa qua, ngân hàng Standard Chartered (S&C) công bố báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam mang tựa đề “Việt Nam – đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý 2” với nhiều đánh giá đáng chú ý. Theo đó, ngân hàng S&C duy trì dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 dựa trên các cơ sở chắc chắn rằng chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng.

Tờ Bangkok Post mới đây khuyến nghị nên tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam dựa trên cơ sở lực lượng lao động có tay nghề cao và giá nhân công phải chăng cũng như thu nhập bình quân đầu người tăng đều đặn. Trong quý I/2022, dù đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 7,8% do các tập đoàn hàng đầu của thế giới bắt đầu mở rộng hoạt động ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong tình hình có nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 5 tăng 2,25%, cao hơn so với cùng kỳ. Thị trường tài chính, tiền tệ với tín dụng tăng 7,73% so với cuối năm 2021. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7%.

Vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt khoảng 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%. Số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường đạt khoảng 100.000, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh; phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã giải ngân đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng và dự kiến trong thời gian tới, kết quả giải ngân này sẽ tiếp tục có những dấu hiệu tích cực, đóng góp mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng kinh tế khi các chính sách hỗ trợ này được bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai.