Việt Nam và Nga nên tìm kiếm những cách hợp tác mới

Theo Hằng Trần/Bnews.vn

Để đạt được mục tiêu hai nước phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, hai bên cần tìm kiếm những phương thức hợp tác mới.

Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng là một trong các mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Nga.
Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng là một trong các mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Nga.

Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Từ đó đến nay, quan hệ ngoại giao, cũng như trong lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng phát triển.

Với dân số gần 143 triệu người, cùng với những ưu đãi thuế quan khi Nga gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời là một đại diện trong nền kinh tế APEC, Nga đang là thị trường truyền thống của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga- ông Ngô Đức Mạnh cho biết, quan hệ thương mại Việt - Nga có rất nhiều tiềm năng để phát triển mạnh. Trong những năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều luôn có sự tăng trưởng cao, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm. Cụ thể theo số liệu của bạn, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 tăng kỷ lục, đạt mức 5,2 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng năm 2018, Nga là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 24 của Việt Nam. Còn ở chiều ngược lại, Nga là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 15 của các doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, tính tổng thể trong 7 tháng năm 2018, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 19 của Việt Nam.

Về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga trong 7 tháng năm 2018 đạt 1,47 tỷ USD, tăng 21% so với cùng thời gian năm 2017 và nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Nga đạt 1,2 tỷ USD, tăng tới 55%.

Như vậy, cán cân thương mại giữa hai nước tiếp tục xuất siêu về phía Việt Nam, đạt 265 triệu USD, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước thì mức xuất siêu này đã giảm tới 39%. Theo Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga nhanh hơn tốc độ tăng xuất khẩu sang Nga.

Với các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với quốc gia này. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Nga trong năm 2017 là 2.200 doanh nghiệp và trong 7 tháng năm 2018, con số này đã là 2.042 doanh nghiệp.

Lúa mì là nhóm mặt hàng được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Liên bang Nga trong 7 tháng năm 2018 với trị giá đạt 358 triệu USD, gấp 32 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ quốc gia này.

Đặc biệt trong 7 tháng năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam nhập khẩu than đá từ Nga, với trị giá 145 triệu USD. Đây là nhóm hàng có trị giá cao, đứng thứ 2 trong tất cả các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga.

Bên cạnh đó, các nhóm mặt hàng sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu cũng là các mặt hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này.

Tính chung tổng trị giá nhập khẩu của 6 nhóm hàng đứng đầu đã chiếm 75% tổng trị giá nhập khẩu vào Việt Nam của các mặt hàng có xuất xứ từ Nga.

Ngược lại, trong 7 tháng năm 2018, Nga là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu của 6 nhóm hàng này đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 79% trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Nga. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại… Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: Xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…

Hiện Nga đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án và tổng số vốn đăng ký 990 triệu USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản.

Việt Nam có 22 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn gần 3 tỷ USD, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro và Gazpromviet, Trung tâm Văn hóa - Thương mại Hà Nội – Moskva, Chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH-True Milk…

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn vẫn là rảo cản của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Nga đó là khâu thanh toán, bởi khả năng về tài chính của nhiều doanh nghiệp Nga còn hạn chế, chưa đủ khả năng thanh toán theo thông lệ quốc tế, do đó thường yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam thanh toán theo hình thức trả chậm 6 tháng đến 1 năm.

Ngược lại, khi xuất khẩu hàng sang Việt Nam, doanh nghiệp Nga yêu cầu đặt tiền trước. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng trong tình trạng thiếu vốn nên yêu cầu thanh toán sau khi nhận hàng.

Cản trở tiếp theo là các ngân hàng của Nga không dễ cho mở L/C, đồng thời phí mở L/C rất đắt, ngân hàng Việt Nam chưa có chế độ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bán hàng trả chậm cho Nga. Đây là một cản trở khá lớn trong buôn bán giữa hai nước trong thời gian qua.

Vận tải cũng là một cản trở trong quan hệ thương mại hai nước, hiện nay phương tiện vận chuyển chủ yếu là container, tuy nhiên chi phí khá cao. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga, do phải vận chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Nga.

Để đạt được mục tiêu hai nước phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, hai bên cần tìm kiếm những phương thức hợp tác mới, có tính khả thi cao, có lợi cho cả hai bên, đặc biệt cố gắng tạo những điểm đột phá.

Đồng thời, tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và làm việc có thời hạn trên lãnh thổ của nhau. Và đặc biệt có biện pháp thúc đẩy thương mại, triển khai có hiệu quả các dự án của Nga tại Việt Nam./.

>>> Tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác Việt - Nga