Việt Nam vào nhóm 18 nền kinh tế hiệu quả vượt trội
Báo cáo "Hiệu quả vượt trội: các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn" do Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) công bố nhân Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội, đánh giá Việt Nam là 1 trong 18 nền kinh tế có "hiệu quả vượt trội".
Cụ thể, trong tổng số 71 nền kinh tế được MGI phân tích, có 18 nền kinh tế được đánh giá "vượt trội". Trong đó, 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quần đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm từ 1965 đến 2016, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
11 nền kinh tế còn lại có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn với mức 5%/năm trong khoảng thời gian ngắn hơn 20 năm từ 1996 đến 2016. Đó là Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.
Theo bà Anu Madgavkar, Phụ trách MGI tại Ấn Độ, dù có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của các nền kinh tế này nhưng các nền kinh tế được đánh giá "vượt trội" đều có sự tương đồng bởi hai yếu tố cơ bản trong mô hình tăng trưởng kinh tế.
"Thứ nhất, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tạo ra vòng tuần hoàn về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, bảo đảm ổn định và thúc đẩy cạnh tranh. Thứ hai, vai trò trọng yếu của các doanh nghệp lớn trong thúc đẩy năng suất và tăng trưởng", bà Anu nhận định.
Việc giải mã mô hình của các nền kinh tế "vượt trội", sự phối hợp giữa chính sách nâng cao năng suất và các động lực cạnh tranh tại nền kinh tế mới nổi, theo Chủ tịch MGI kiêm Giám đốc Hợp danh cao cấp Văn phòng McKinsey tại San Francisco, sẽ giúp đúc kết bài học hữu ích cho tất cả các quốc gia bao gồm các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế đã phát triển, trong bối cảnh tăng trưởng năng suất toàn cầu đang suy yếu.
Đánh giá về Việt Nam, bà Anu cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nhiều sáng kiến, đổi mới về công nghệ. Điều này thể hiện rất rõ ở tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng GDP thời gian qua thông qua những giải pháp công nghệ, thúc đẩy năng suất lao động.
"Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội nếu chuẩn bị những nền tảng tốt nhất cho bối cảnh mới này diễn ra từ kỹ năng nghề nghiệp của người lao động tới đội ngũ nhân công chất lượng cao...", bà Anu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại diện MGI cũng cảnh báo quá trình này của Việt Nam có thể không suôn sẻ khi Việt Nam phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số. "Nguồn lao động dồi dào với chi phí rẻ, lợi thế dân số trẻ sẽ trở thành hồi ức trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo tính toán của chúng tôi, các quốc gia ASEAN sẽ có khoảng 10% dân số có độ tuổi trên 65 vào năm 2030. Đây là thách thức mà các bạn phải đối mặt trong tương lai", bà Anu dự báo.
Bên cạnh vấn đề về nhân khẩu học, quá trình đô thị hoá, sự dịch chuyển lao động từ khu vực có mức lương thấp sang khu vực có mức lương cao hơn sẽ diễn ra rất mạnh. "Song đây không phải là vấn đề quá tiêu cực nếu có giải pháp phòng ngừa", bà Anu cho biết.
Liên quan tới hướng đi của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra gần đây, đại diện MGI cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất định, triển vọng thương mại sẽ rất khó dự đoán. Vì vậy, Việt Nam cần phải có giải pháp chắc chắn để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó một cách linh hoạt với sự bất định này.
"Trong đó, yếu tố nền tảng là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất trong xuất nhập khẩu hướng tới tìm kiếm cơ hội mới, thị trường mới, ngành hàng mới có nhiều giá trị gia tăng", bà Anu khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành, Ban Thư ký APEC cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng có dấu hiệu leo thang, sự sụt giảm xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc sang Mỹ sẽ có những tác động nhất định thương thương mại hàng hoá và dịch vụ của khu vực ASEAN cũng như Việt Nam.
"Một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc được thực hiện tại ASEAN trước khi quay trở về Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Vì thế, chính sách áp đặt thương mại của Mỹ lên Trung Quốc tác động tới khu vực này", ông Alan bình luận.
Cũng theo ông Alan, cùng với sự sụt giảm thương mại với Mỹ, nhiều doanh nghiệp của Mỹ tại Trung Quốc đang cân nhắc rút đầu tư khỏi Trung Quốc hay thay đổi quy trình sản xuất trong chuỗi giá trị, tất nhiên không phải ngay lúc này.
"Nhưng chuyển dịch đầu tư thời gian tới chắc chắn khá phức tạp. Việt Nam quan tâm tới sự chuyển dịch này", ông Alan cho biết.