Việt Nam xây dựng thành phố thông minh: Khó hay dễ?
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Tại Việt Nam, xây dựng thành phố thông minh và phát triển bền vững là một hành trình chứ không phải là đích đến.
Kinh nghiệm thế giới
Các thành phố có xuất phát điểm khác nhau, có ưu tiên phát triển khác nhau, có vị trí địa lý và trình độ phát triển cũng như nguồn lực không giống nhau, nên không thể có một mô hình phát triển thành phố thông minh nào phù hợp và “vừa vặn” với tất cả.
Ví dụ: Singapore là quốc gia thành phố nhỏ, dân số ít, hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và hiện đại, do đó việc triển khai xây dựng Sáng kiến Quốc gia thông minh có nhiều thuận lợi hơn. Dù vậy, từ kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới, có thể đúc kết một số bước đi hiệu quả để các nước như Việt Nam tham khảo.
Kinh nghiệp thứ nhất là thành lập lực lượng liên ngành, trực thuộc Chính phủ để hoạch định chính sách, đường lối, kế hoạch cụ thể và quản lý, giám sát việc thực thi; Xây dựng chiến lược tổng thể ở cấp độ quốc gia để trên cơ sở đó, các Bộ/ngành, tỉnh/thành sẽ cụ thể hóa dựa trên thực tế và xây dựng kế hoạch.
Việc số hóa quản trị đòi hỏi sự tham gia của tất cả các Bộ/ngành, do đó cần phải có đại diện của tất cả các Bộ/ngành trong lực lượng trên để có thể triển khai đồng bộ.
Thứ hai là ưu tiên tập trung thí điểm thực hiện sáng kiến phát triển đô thị thông minh tại một số thành phố lớn, trên cơ sở đó rút ra những bài học để triển khai trên diện rộng.
Việc phát triển đô thị thông minh ở cấp độ quốc gia cần sự điều tiết của chính phủ, tránh tình trạng thành phố nào cũng có đề án phát triển thành phố thông minh của riêng mình, gây lãng phí nguồn lực về con người và tài chính.
Việc phát triển đô thị thông minh phải đi đôi với xoá đói giảm nghèo tại các khu vực nông thôn, miền núi, tránh để hố ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng miền ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.
Theo giới chuyên gia, nên ưu tiên phát triển một số ứng dụng trong lĩnh vực hành chính, quản trị nhà nước hay chăm sóc y tế, giáo dục... ở cấp độ quốc gia (sau đó người dân có thể chọn dịch vụ tại các tỉnh mình đang cư trú).
Chẳng hạn như: Ứng dụng dịch vụ công để người dân đặt lịch làm việc; Ứng dụng về môi trường để cảnh báo tình hình thời tiết, bão lũ, có thêm chức năng thông báo các vi phạm, tình trạng thực tế để người dân thông báo cho các cơ quan chức năng; Ứng dụng của lực lượng cảnh sát để thông báo tin tức tội phạm, tình hình an ninh, đồng thời để người dân thông báo các vi phạm.
Vấn đề là người dân phải sử dụng mã số định danh/số CMND để có thể truy cập và sử dụng các ứng dụng này, giúp cơ quan chức năng tránh tình trạng tiếp nhận quá nhiều thông tin rác.
Tại Việt Nam
Theo thống kê, tới cuối năm 2021, trên cả nước đã có 41 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh. TP.HCM, Thủ đô Hà Nội và TP.Đà Nẵng đã tham gia vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018. Đây là nơi có thể học tập và trao đổi kinh nghiệm tốt về các giải pháp được đưa vào thực hiện.
Có thể thấy việc xây dựng thành phố thông minh và phát triển bền vững là một hành trình chứ không phải là đích đến vì dù thành phố có thông minh đến đâu thì với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ ngày nay, các thành phố đều có thể trở nên thông minh hơn nữa.
Hành trình đó cũng có thể là cơ hội để các các nhà quản lý đạt được một phần mục đích thông qua việc người dân tham gia vào hành trình, giúp họ nhận ra cơ hội để họ phát triển và gắn bó với thành phố.
Dù sau này tên gọi của các mô hình thành phố ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân có thể khác đi thì mục đích cuối cùng vẫn là tiếp tục củng cố và phát triển các thành phố trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư và đáng gọi là nhà cho nhiều người.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của Việt Nam là tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế.
Việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam còn riêng lẻ, manh mún, thiếu tính đặc thù cho mỗi đô thị. Nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh, bao gồm cả nguồn vốn và nguồn lực con người cũng có hạn.
Việt Nam đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị.
Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn do nhận thức về đô thị thông minh từ góc độ nhà quản lý ở cấp độ địa phương, nhu cầu cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp và cả nhu cầu thụ hưởng của người dân.