Nâng cao trình độ dân trí để xây dựng thành phố thông minh
Bài toán xây dựng thành phố thông minh sẽ không có lời giải nếu như con người sinh sống trong thành phố đó không thể sử dụng các dịch vụ được cung cấp bởi công nghệ, bởi hệ thống thông tin hiện đại. Bài viết đề cập đến “trình độ dân trí” và tầm quan trọng của nó trong việc xây dựng thành phố thông minh; khái quát vai trò của dân trí đối với việc phát triển thành phố thông minh và đề xuất một số giải pháp nâng cao trình độ dân trí, phục vụ công cuộc phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam.
Đặt vấn đề
Theo vi.wikipedia.org, thành phố thông minh - TPTM (còn gọi là đô thị thông minh – ĐTTM) là một hệ thống hữu cơ tổng thể được kết nối từ nhiều hệ thống thành phần với hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (não bộ), các cảm biến (giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khái niệm TPTM xuất hiện từ cuối những năm 1990 và có nhiều sự thay đổi, tiến hóa theo thời gian trong suốt quá trình này, Việt Nam luôn đi khá sát theo sự phát triển về nhận thức. Thời gian đầu, TPTM thường được hiểu là đưa hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, vận hành đô thị. Đến giữa những năm 2000, việc xây dựng TPTM đặt vai trò của “hạ tầng mềm” (xã hội, nguồn lực con người, sự tham gia của người dân/doanh nghiệp) lên trên vai trò CNTT. Từ năm 2010 đến nay, TPTM là sự kết hợp giữa hạ tầng cứng (CNTT và các tiến bộ công nghệ) và hạ tầng phần mềm, hướng đến việc cung cấp một cách bền vững cuộc sống chất lượng cao cho cư dân và dịch vụ/môi trường kinh doanh chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng TPTM là giải pháp chiến lược để giải quyết các vấn đề phát sinh do sự gia tăng dân số và đô thị hóa. Tuy nhiên, để xây dựng và vận hành TPTM cần phải lấy người dân làm trung tâm, phải dựa trên nhu cầu thực tế, đây là nguyên tắc cốt lõi. Để làm được điều này cần phải nâng cao trình độ dân trí, để người dân có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng TPTM đối với cá nhân và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Xây dựng thành phố thông minh và yêu cầu về trình độ dân trí
Mục tiêu xây dựng thành phố thông minh
Xây dựng ĐTTM thông qua các quá trình quy hoạch đô thị, quản trị đô thị và cung cấp các ứng dụng tiện ích đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống, cải thiện chất lượng phục vụ chính quyền thành phố tạo sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm: Chính quyền, doanh nghiệp và người dân.
Phát triển ĐTTM phải lấy mục tiêu trung tâm là con người, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giải quyết các vấn đề trong quá trình đô thị hóa; nâng cao chất lượng dịch vụ, sử dụng công nghệ làm nền tảng cho việc đáp ứng hiệu quả nhu cầu của con người cách bền vững.
Phát triển ĐTTM bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát huy các tiềm năng và lợi thế; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hoạt động nghiên cứu, xây dựng và quản lý phát triển ĐTTM, hạn chế tối đa các rủi ro.
Để phát triển ĐTTM theo hướng bền vững, cần chú trọng 4 chủ thể sau: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. 4 chủ thể này là một hệ thống hữu cơ với nhau. Khi thành phố trở thành ĐTTM, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các tiện ích xã hội mang lại. Chẳng hạn như: Khi hoàn chỉnh ĐTTM, người dân sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay có thể dễ dàng lựa chọn các dịch vụ như: y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng vé điện tử liên thông hệ thống giao thông công cộng; kiểm soát truy xuất nguồn gốc thực phẩm… Đặc biệt, việc khám – chữa bệnh ở các bệnh viện công sẽ được đăng ký giờ khám, dịch vụ, lựa chọn bác sĩ qua mạng, thay vì phải đến xếp hàng mất nhiều thời gian như hiện nay. Với hồ sơ bệnh án điện tử, bác sĩ có thể biết thông tin bệnh án từ thẻ mã vạch của bệnh nhân…
Yêu cầu về trình độ dân trí để xây dựng thành phố thông minh
Nhằm đáp ứng các tiêu chí của TPTM, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nâng cao trình độ dân trí ở Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết sau: Bảo đảm trình độ dân trí ở mức tối thiểu nhất; tất cả người dân phải được phổ cập giáo dục, biết sử dụng máy vi tính; tiến tới ứng dụng các thiết bị thông minh như smart phone, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính…
Xây dựng ĐTTM dựa trên nền tảng của cuộc CMCN 4.0, thông qua việc ứng dụng các thiết bị thông minh kết nối với nhau như: Wifi, 3G, 4G, 5G, bluetooth… Trên nền tảng công nghệ này cho phép nhiều thiết bị có thể kết nối và tương tác với nhau, để sử dụng các thiết bị này người dân phải nâng cao trình độ công nghệ.
Xây dựng một TPTM không chỉ áp dụng các sản phẩm công nghệ thông minh, quan trọng hơn là xây dựng được cộng đồng dân cư văn minh. Người dân chính là chủ thể được phục vụ; đồng thời, cũng là một trong các chủ thể quan trọng nhất khi xây dựng TPTM. Điều kiện không thể thiếu là khả năng tiếp nhận các yếu tố “thông minh” của thành phố đối với người dân. Người dân phải đảm bảo đủ khả năng tài chính để đầu tư công nghệ, thiết bị hấp thụ sự “thông minh” của thành phố. Dân trí khu vực phải ở mức cao để sử dụng hệ thống công nghệ, thiết bị đã đầu tư, đi cùng với đó là sự hợp tác, hành động, chia sẻ một cách tự nguyện. Điều kiện tiếp theo là phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, trung thành với lợi ích chung để vận hành được các hệ thống của TPTM. Cùng với đó, thành phố cần có “chính quyền thông minh” và “lãnh đạo thông minh”; có được những điều này thì mới có hướng đầu tư đúng, phù hợp và huy động được mọi nguồn lực để đầu tư cũng như điều hành được TPTM, tạo sự kết nối trong thực hiện mục tiêu đề ra.
Nâng cao trình độ dân trí Việt Nam để xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam
Theo định nghĩa truyền thống, dân trí là trình độ văn hóa chung của xã hội, hoặc đơn giản là trình độ học vấn trung bình của người dân – bao nhiêu phần trăm biết đọc, biết viết, bao nhiêu phần trăm có trình độ học vấn trung bình của người dân – bao nhiêu phần trăm có trình độ học vấn cao. Kết quả điều tra dân số toàn quốc năm 2019 cho thấy, Việt Nam có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ này của nữ cao hơn nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019. Tỷ lệ đi học chung của bậc tiểu học là 101%, bậc trung học cơ sở (THCS) là 92,8%, bậc trung học phổ thông (THPT) là 72,3%. Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ đi học chung (100,9% so với 101%).
Kết quả điều tra dân số toàn quốc năm 2019 cho thấy, Việt Nam có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ này của nữ cao hơn nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019.
Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa thành thị và nông thôn càng lớn, cụ thể: Ở cấp THCS, tỷ lệ đi học chung của khu vực thành thị cao hơn tỷ lệ đi học chung của khu vực nông thôn là 3,4 điểm phần trăm. Mức chênh lệch này ở cấp THPT là 13 điểm phần trăm. Hiện nay, cả nước có 95,8% người dân trên 15 tuổi biết chữ, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ nam giới biết đọc, biết viết đạt 97%, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với ở nữ giới.
Theo Báo cáo của Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018, Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thông số trên cho thấy, xét về lượng, dân trí Việt Nam khá tốt, tuy nhiên, vấn đề nâng cao dân trí để đảm bảo xây dựng TPTM cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật tới người dân, xu hướng của thời kỳ CMCN 4.0 và những lợi ích của ĐTTM tới cộng đồng. Đặc biệt, đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số - nơi trình độ dân trí còn thấp cần phải được quan tâm thông qua triển khai, thí điểm hướng dẫn sử dụng các thiết bị thông minh như smart phone, máy vi tính; cung cấp mạng internet đến tận vùng sâu, vùng xa…
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách giáo dục. Có thể nói đây là nhiệm vụ then chốt và quan trọng nhất trong việc nâng cao trình độ dân trí, đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân ở các cấp học (từ mầm non đến phổ thông), có thể đưa những tiết dạy tin học, thực hành ứng dụng CNTT vào trong các chương trình học; Chú trọng các xu hướng mới của thời kỳ CMCN 4.0 và sự hình thành phát triển ĐTTM.
Thứ ba, thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Để làm được điều này thì phải giúp người dân hiểu rõ những tiện ích của các sản phẩm thông minh, an tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ tư, hiện nay đại đa số người dân đều có điện thoại di động, vì vậy việc triển khai dịch vụ SMS đưa người nghèo kết nối với ĐTTM bằng điện thoại thông minh là khả thi. Đồng thời, qua tin nhắn SMS, chính quyền, sẽ nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp cho người tiếp cận với các sản phẩm mà ĐTTM mang lại, cải thiện được chất lượng cuộc sống, thời gian khi sử dụng dịch vụ công.
Thứ sáu, nâng cao trình độ dân trí dân trí luôn gắn liền với sự hình thành đội ngũ trí thức mới, do vậy, cần đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho các khả năng sáng tạo được sử dụng và phát triển. Đổi mới chính sách đối với tầng lớp tri thức là nâng cao khả năng tham gia hữu hiệu vào sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và phát triển ĐTTM nói riêng. Do đó, việc nâng cao dân trí là một yêu cầu cơ bản của chiến lược con người trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay nói chung và khía cạnh phát triển ĐTTM nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
1. “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI;
2. Thủ tướng Chính phủ (2012), “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”, ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012;
3. Hồ Quang Huệ (2016), Thành phố thông minh - Xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại;
4. Ngân An (2015), Dân trí Việt Nam cao hay thấp?, Báo Dân trí;
5. Nguyễn Văn Cường (2018), Xây dựng thành phố thông minh.