Việt Nam xếp hạng 6 các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu
Theo hãng tư vấn AT Kearney, Việt Nam nhảy 5 bậc trong năm 2017, vươn lên xếp thứ 6 theo danh sách các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu.
Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước đến nay. Đây là dấu hiệu cho thấy sự trở lại của Việt Nam trong top-ten kể từ năm 2013.
The Index phân tích và xếp hạng 55 quốc gia hàng đầu về gia công phần mềm toàn cầu dựa trên 3 chỉ số: sức hấp dẫn về tài chính, sự sẵn có và lành nghề của nhân công bản địa và môi trường kinh doanh. Các nước châu Á lại một năm nữa thống trị The Index.
– Ấn Độ, Trung Quốc và Malaysia lần lượt giữ vị trí cao nhất
– Indonesia tăng lên 1 bậc và đứng hạng 4
– Philippines giữ vị trí thứ 7
– Thái Lan giảm 2 bậc xuống còn vị trí thứ 8
Kết quả khả quan của Việt Nam trong bảng xếp hạng The Index năm nay một phần nhờ vào sự gia tăng ngày càng nhanh của các trung tâm BPO (Business Process Outsourcing). Tại Việt Nam, ngành công nghiệp BPO đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 và đạt tỷ lệ tăng trưởng 20 – 25% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua. Sự tăng trưởng này là kết quả của một số yếu tố quan trọng.
Ông Soon Ghee Chua, Trưởng đại diện của AT Kearney Đông Nam Á nhận định: “Thứ nhất, giới trẻ Việt Nam giờ đây khá thông thạo tiếng Anh. Thứ hai, chi phí nhân công thấp, giá nhân công tại Việt Nam chỉ bằng một nửa nếu so với Ấn Độ và các thành phố cấp 1 khác ở Trung Quốc. Rõ ràng, đấy là lý do tại sao Việt Nam lại trở thành một điểm đến outsourcing ngày càng hấp dẫn ở khu vực Châu Á.”
Nhật Bản là khách hàng chính của Việt Nam trong ngành BPO, do đó sự tăng trưởng liên tục của ngành sẽ phụ thuộc phần nào vào sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản. Ngoài ra, New Zealand cũng đang nhanh chóng trở thành một khách hàng hàng đầu. Từ năm 2016, Augen Software Group đã mở một trung tâm phát triển công nghệ để phục vụ khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Thêm vào đó, các công ty công nghệ cao New Zealand đã đầu tư, phát triển khu phức hợp tại Việt Nam và ASEAN, Kiwi Technology Centre cũng đã ra mắt tại đây.
Tuy nhiên, ngành BPO cũng đang đối mặt với thách thức từ những tiến bộ công nghệ. Đặc biệt là sự tự động hóa. Khoa học kỹ thuật đã có những tiến bộ đáng kể trong thập kỷ qua và giờ đây nó đang dần ảnh hưởng trực tiếp lên các quy trình sản xuất. Sự tự động hóa đang được áp dụng ở nhiều cấp độ cho những chức năng BPO khác nhau, tùy thuộc vào sự dễ dàng mà máy móc có thể thực hiện những nhiệm vụ này. Theo phân tích của A.T. Kearney cho thấy, công nghệ mới có thể sẽ thay thế những công việc liên quan đến kế toán và tài chính trong 5 năm tới. Trong khi đó, các mảng như dịch vụ khách hàng, tiếp thị sản phẩm và quản lý nhân lực lại có khả năng tự động hóa thấp hơn trong khung thời gian này.
Soon Ghee nói thêm “Với sự quá trình phát triển tự động hóa như vậy, có khả năng nhiều công việc đòi hỏi trình độ thấp và lặp đi lặp lại trong ngành công nghiệp BPO sẽ bị dư thừa. Trong khi việc tự động hóa dự kiến sẽ thay thế một số công việc thì bản thân nó cũng đòi hỏi sự nâng cao về mặt trình độ nhân công; chẳng hạn như, công nghệ sản xuất tinh vi hơn, mang lại mức lương cao hơn cho người lao động, tuy nhiên, những vai trò này đòi hỏi phải có tay nghề cao. Điều quan trọng chính là phải đảm bảo lực lượng lao động Việt Nam làm việc trong ngành này tiếp tục được trao dồi và nâng cao tay nghề.”