Vietcombank đồng hành cùng Industry 4.0 Summit 2023
Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2023) do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các các bộ, ngành đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Vietcombank vinh dự đồng hành cùng sự kiện này.
Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chín; , Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng một số Bộ trưởng và đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức quốc tế. Vietcombank vinh dự là Nhà đồng hành cùng diễn đàn quan trọng này.
Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 hàng năm thu hút được sự quan tâm tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế. Tiếp nối thành công đó, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023 nhằm mục đích gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầt nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", là nơi các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương báo cáo, trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách để việc triển khai thực hiện các Nghị quyết thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống; tạo kênh kết nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Diễn đàn gồm 1 phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì, tổ chức vào chiều ngày 14/6/2023; chuỗi 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào sáng ngày 14/6/2023.
Phiên toàn thể tập trung vào 4 báo cáo chính gồm: Dự thảo những nội dung chủ yếu của chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Thúc đẩy chuyển đổi số trở thành phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam; Chuyển đổi xanh và bản sao số ở châu Âu và Việt Nam: hàm ý chính sách cho quá trình CNH, HĐH của Việt Nam; Tăng trưởng xanh và đổi mới sáng tạo: Những thách thức chính và giải pháp.
Trong khuôn khổ phiên toàn thể cấp cao diễn ra tọa đàm cấp cao với sự tham gia trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế, tập trung vào các nhóm nội dung lớn: Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; Sự tham gia của quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; Hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối về công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH, HĐH), về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù; các chiến lược, chương trình quốc gia, đề án liên quan về CNH, HĐH…; Trao đổi, thảo luận các nội dung trọng tâm nhằm xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường gắn với quá trình CNH, HĐH đất nước.
Cùng với đó, chuỗi 4 phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào các chủ đề: "Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam"; "Thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; "Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045"; "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045".
Ý thức được vai trò của ngân hàng số 1 Việt Nam đang phục vụ hàng triệu khách hàng tổ chức và cá nhân, Vietcombank thấy được tầm quan trọng trong việc phát triển những sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích cho khách hàng, cùng với đó, phải đảm bảo yếu tố bền vững, lâu dài và tác động tốt đến hành trình xanh của đất nước. Do đó, đồng hành cùng Diễn đàn, Vietcombank đã thiết kế khu vực trưng bày để vinh dự giới thiệu đến Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu trong nước, quốc tế về các SPDV, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số mới nhất của Vietcombank.
Các yếu tố mà Vietcombank chú trọng là: (i) Tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức: Là giảm hết các khó khăn, trở ngại của khách hàng trong việc phải tới quầy, phải lo thủ tục giấy tờ, chỉ có thể giao dịch trong giờ hành chính; (ii) Nhanh chóng và bảo mật: Là xử lý nghiệp vụ ứng dụng công nghệ, để hoàn thành nhanh chóng yêu cầu khách hàng, đồng thời bảo đảm tính chính xác và bảo mật tới từng con số; (iii) Xanh và bền vững: Là chuyển đổi số nhưng không ảnh hưởng tới môi trường, đời sống xã hội, hạn chế rác thải, tích hợp tận dụng thiết bị sẵn có, hạn chế chế tạo thêm máy móc. 3 sản phẩm dịch vụ tiêu biểu mà Vietcombank lựa chọn giới thiệu là: SPDV Tap-to-phone – biến chiếc máy điện thoại thành máy POS chấp nhận thẻ; sản phẩm dịch vụ Google Pay - thay thế chiếc thẻ ngân hàng bằng smartphone và MOC - thay thế hoàn toàn thủ tục giấy tờ khi đăng kí sản phẩm dịch vụ ngân hang bằng 1 chiếc thẻ CCCD.
Tất cả giải pháp này giúp cho khách hàng, người dân tiết kiệm thời gian giao dịch, không phải điền các mẫu biểu, đối với thẻ thì có thể sử dụng lâu dài mà không cần gia hạn, phát hành thẻ mới. Với ngân hàng, dịch vụ giúp rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả khi tiết kiệm được nhiều nguồn lực (hồ sơ giấy, lưu trữ hồ sơ); và đối với sự phát triển chung của đất nước, tất cả giải pháp đều hạn chế tối đa rác thải từ giấy, thẻ, khí thải sản xuất.