Vietcombank và những nỗ lực chinh phục mục tiêu mới
Bằng sự nỗ lực vượt bậc, trong những năm qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tạo dựng được một nền tảng vững chắc, phát triển ổn định, tạo đà cho bước bứt phá mới trong bối cảnh hội nhập. Bí quyết để tạo dựng thành công và các giải pháp chinh phục những mục tiêu mới của Vietcombank đã được ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên HĐQT Vietcombank chia sẻ cùng phóng viên.
PV: Trên mặt bằng chung các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, Vietcombank đang sở hữu những điều tốt nhất: quy mô lớn, hiệu quả hoạt động tốt, thương hiệu tốt và đà tăng trưởng duy trì ở mức cao vài năm trở lại đây. Ông có thực sự hài lòng với những kết quả đó?
Vietcombank đã từng bước thực hiện nhiều dự án chuyển đổi mang tính chất bước ngoặt để tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế, hoạt động kinh doanh có nhiều bứt phá, liên tiếp chinh phục những đỉnh cao, tạo ra nhiều khác biệt và dấu ấn riêng để khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường của mình.
Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh quyết liệt và những biến đổi khôn lường của thị trường không cho phép chúng tôi hài lòng với chính mình.Luôn luôn phải đặt ra những mục tiêu cao hơn để nỗ lực chinh phục.
Với quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán, phương châm hành động rõ ràng, bên cạnh đó là sự đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết nhất trí cao được lan tỏa từ Ban lãnh đạo đến toàn thể cán bộ nhân viên, từ Trụ sở chính đến chi nhánh là niềm tin vững chắc cho chúng tôi quyết tâm thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể các mục tiêu là, đến năm 2020 là phát triển trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Như vậy, Vietcombank còn có những đích lớn hơn để phấn đấu? Một tầm nhìn khu vực có trong suy nghĩ của ông và đã có sự chuẩn bị từ các cấp thấp nhất của ngân hàng?
Từ năm 2012, với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã kỳ vọng và mong muốn xây dựng Vietcombank trở thành ngân hàng có quy mô, năng lực đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt niềm tin, giao nhiệm vụ cho Vietcombank phát triển trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam để dẫn dắt chung cho hệ thống.
Nhiệm vụ này đã được Vietcombank cụ thể hóa trong chương trình hành động của mình hàng năm cũng như để đạt được mục tiêu dài hạn đến năm 2020. Hoạt động truyền thông nội bộ của Vietcombank đã được phát huy hết sức hiệu quả để mỗi cán bộ, nhân viên trong hệ thống hiểu được mục tiêu chung, biết được công việc cụ thể của mình, thấy được vài trò và trách nhiệm với mục tiêu chung của ngân hàng từ đó không ngừng sáng tạo, cống hiến để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc.
Chính điều đó đã mang lại sức mạnh tổng thể, đưa Vietcombank liên tiếp chinh phục các đỉnh cao trong những năm gần đây, trong đó kỷ lục về lợi nhuận là đặc biệt ấn tượng.
Vietcombank hiện là ngân hàng đầu tiên xử lý xong dư nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trước thời hạn 3 năm và đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về 1 sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây cũng đã chính thức công bố báo cáo xếp hạng tín nhiệm Vietcombank với đánh giá là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong các tổ chức tín dụng tại thị trường Việt Nam.
Cổ phiếu Vietcombank cũng luôn duy trì mức giá cao nhất ngành. Chúng tôi cho rằng, niềm tin của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như thị trường đối với Vietcombank là hoàn toàn có cơ sở, và đấy là động lực để Vietcombank không ngừng tăng tốc, bứt phá, tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Hiện nay, chúng tôi cũng đang xúc tiến thành lập một số chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài và một số Công ty kinh doanh chuyên biệt trong thời gian tới đây.
Trong năm 2017, ngoài các kế hoạch mà Vietcombank đã đặt ra. Theo ông, Vietcombank sẽ được nhắc tới với một sản phẩm, sự kiện hay một hành động nào nổi bật?
Vietcombank hiện đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất. Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu được duy trì ở mức cao (khoảng 120%).
Như đã nói, kỷ lục về lợi nhuận năm 2016 của Vietcombank là đặc biệt ấn tượng, đạt 8.523 tỷ đồng, tăng gần 1.700 tỷ đồng (25%) so với năm 2015.
Chúng tôi tin rằng, với việc kiểm soát được chất lượng tín dụng và chặn đứng, thậm chí có thể giảm được mức trích lập dự phòng rủi ro, các cổ đông, nhà đầu tư và thị trường hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một kết quả đặc biệt ấn tượng của Vietcombank cho năm 2017.
Xin cảm ơn ông!