Vietnam Airlines rốt ráo thoái vốn ngoài ngành

Theo Baodautu.vn

Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) là thương vụ thoái vốn thành công mới nhất của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines). Cụ thể, trong phiên đấu giá toàn bộ lô cổ phiếu thuộc sở hữu của hãng hàng không quốc gia tại VNI được tổ chức vào ngày 7/7/2015, Vietnam Airlines đã thu về 109,55 tỷ đồng/100 tỷ đồng mệnh giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xong nửa chặng đường

Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI) là thương vụ thoái vốn thành công mới nhất của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines). Cụ thể, trong phiên đấu giá toàn bộ lô cổ phiếu thuộc sở hữu của hãng hàng không quốc gia tại VNI được tổ chức vào ngày 7/7/2015, Vietnam Airlines đã thu về 109,55 tỷ đồng/100 tỷ đồng mệnh giá.

Đây có thể coi là một thắng lợi của Vietnam Airlines bởi lượng vốn nắm giữ tại VNI là khá lớn lại được thực hiện trong bối cảnh thị trường tài chính diễn biến phức tạp.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã thoái được 7/15 danh mục với giá trị vốn đầu tư đã thoái tính theo mệnh giá là 505,64 tỷ đồng (thực thu là 609 tỷ đồng), chiếm 85,05% tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái (tổng giá trị vốn cần thoái là 594,5 tỷ đồng).

Điều đáng ghi nhận, Vietnam Airlines đã cơ bản thoái xong toàn bộ phần vốn góp tại toàn bộ các lĩnh vực nhạy cảm ngoài ngành gồm lĩnh vực chứng khoán (Công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Bình); ngân hàng, tài chính (Techcombank); bảo hiểm (Bảo Minh và Bảo hiểm Hàng không); bất động sản (Công ty cổ phần Đầu tư hàng không). “Ngoài cổ tức hàng năm, Tổng công ty nhận được từ các doanh nghiệp

này thì khoản chênh lệch tăng giữa tổng giá trị bán thu được so với tổng giá trị vốn đầu tư thực tế tại 7 doanh nghiệp này là 282,88 tỷ đồng”, ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Không chỉ công ty mẹ - Vietnam Airlines rốt ráo thoái vốn tại các đầu mối ngoài ngành, hãng hàng không quốc gia đang chỉ đạo người đại diện tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty tiến hành thoái vốn tại các lĩnh vực hoạt động không hiệu quả hoặc nằm ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Trong số này, Công ty Xăng dầu Hàng không – Vinapco được lệnh tiến hành thoái vốn tại Công ty cổ phần Kho cảng xăng dầu Nhà Bè; Jestar Pacific Airlines thoái vốn tại Công ty Jupiter, Công ty đầu tư Thăng Long; Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Nội Bài (NASCO) triển khai thoái vốn kinh doanh vận tải taxi.

Bên cạnh đó, danh sách những công ty con do công ty mẹ - Vietnam Airlines sở hữu 100% vốn điều lệ cũng có những biến động nhất định khi Vinapco và Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Vietnam (VACS) đã được lên kế hoạch cổ phần hóa trong thời gian tới cùng với Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) và Abacus Việt Nam.

“Ca khó” cuối

Trong danh mục thoái vốn trong nửa cuối năm 2015, Công ty cổ phần Khách sạn Hàng không - AH JSC được đánh giá là một trong những “ca” thoái vốn khó.

Được thành lập năm 2006, AH JSC hiện có số vốn là 96 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines góp 44% vốn điều lệ với mục tiêu triển khai dự án khách sạn 4 sao tại lô đất “vàng” 27B - Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai, vì nhiều lý do, Công ty vẫn chưa thể triển khai được dự án.

Đây cũng chính là lý do khiến việc thoái vốn tại AH JSC từng được Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu phải hoàn thành ngay trong năm 2014 đã phải chuyển sang năm 2015.

Hiện Chính phủ đã cho phép Vietnam Airlines được thoái toàn bộ vốn góp tại AH JSC theo phương thức bán trọn lô cho nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kèm theo điều kiện nhận và thanh toán toàn bộ công nợ cho Hãng hàng không quốc gia.

Với lối mở này, Vietnam Airlines đang đứng trước cơ hội lớn có thể xử lý một trong “khúc xương” khó nhằn nhất trong danh mục 15 doanh nghiệp để có thể thu được tối thiểu 42 tỷ đồng.

Ngoài “ca khó” AH JSC, các đầu mối còn lại phải thoái vốn từ nay đến cuối năm của Vietnam Airlines gồm: In hàng không; Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không; Vận tải ô tô hàng không; Công trình hàng không; Nhựa cao cấp hàng không; Đầu tư hàng không và Bưu chính vận tải Sài Gòn… đều có kết quả kinh doanh khá tốt, tạo đà thuận lợi cho việc thoái vốn đúng kế hoạch. Trong đó, dẫn đầu về cổ tức là Tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không (16%/năm 2014); In hàng không (13,58%); Nhựa cao cấp hàng không (12%)…

Như vậy, tính cả phương án thoái vốn bổ sung đã được Bộ Giao thông-Vận tải phê duyệt, sau khi hoàn thành kế hoạch thoái vốn, Tổng công ty sẽ giảm bớt 15 doanh nghiệp có vốn góp trong số 33 đầu mối trước tái cơ cấu để còn 18 doanh nghiệp có vốn góp, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp vận tải hàng không và các lĩnh vực liên quan đến dây chuyền vận tải hàng không.

Mặc dù vậy, nhiều khả năng đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi theo ông Đức, Vietnam Airlines vẫn đang tiếp tục rà soát, đánh giá lại danh mục đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Tổng công ty không cần nắm giữ vốn.

“Danh mục này sẽ được Vietnam Airlines hoàn tất trong quý III/2015”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.