Vĩnh Long đạt và vượt 18/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Năm 2023, dù tiếp tục đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế kéo dài song kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long đạt nhiều kết quả nổi bật.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, năm 2023, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch 18/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 2,61%; tổng thu ngân sách đạt 106,24%, chi ngân sách đạt 101,13% dự toán; sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng; khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 2,92% so với cùng kỳ.
Thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi và tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 tăng 12,72%; kim ngạch xuất khẩu đạt 759,5 triệu USD, đạt 101,27% so với kế hoạch, tăng 3,78%; tổng lượt khách đến tỉnh đạt 1,45 triệu lượt, tăng 45%, doanh thu du lịch đạt 670 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2022. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được thực hiện hiệu quả; công tác tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được quan tâm thực hiện.
Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nông thôn mới được tập trung. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 17.523 tỷ đồng, đạt 100,13% kế hoạch, tăng 5,85% so với cùng kỳ. Đến cuối năm 2023, tỉnh hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm là tăng thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng lên 85%, hoàn thành mục tiêu trước 2 năm giai đoạn 2020-2025.
Song song đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo người có công luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo, đặc biệt là các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện đầy đủ. Năm 2023, giải quyết việc làm mới cho 23.000 lao động, đạt 115% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,41%.
Năm 2024, UBND tỉnh đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 6,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,41%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 5 xã...
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện như tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đặc biệt là triển khai có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch; phấn đấu đến hết năm 2024 có 90,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.