VN-Index giữ vững đà tiến bất chấp áp lực bán gia tăng
Rất khó tránh được áp lực chốt lời sau nhiều phiên tăng tốt, quan trọng là VN-Index vẫn vững bước tiến lên vùng 1.170 điểm, xác lập vùng đỉnh mới trong 10 tháng.
Tiếp tục tâm lý lạc quan từ những phiên trước, VN-Index xanh nhẹ khi mở cửa phiên cuối tuần (ngày 14/7). Nhiều nhóm ngành tăng tốt như Chứng khoán, Thép, đặc biệt nhóm ngành Chế biến thủy sản toàn màu xanh, không mã cổ phiếu nào không tăng.
Tuy nhiên, áp lực bán bắt đầu nhen nhóm khi đà tăng lên cao, khiến VN-Index rung lắc và giảm tốc. Đến tận cuối phiên chiều, khi chỉ số chung giảm về dưới tham chiếu, lực cầu bắt đáy đã liên tục xuất hiện, lại kéo chỉ số lên, hướng đến vùng điểm 1.170.
Cuối cùng, VN-Index kết phiên tại 1.168,4 điểm, tăng 2,98 điểm, tương ứng tăng 0,26% so với phiên trước. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 10/18 ngành tăng điểm, trong đó Công nghệ thông tin dẫn đầu đà tăng (+2,7%).
FPT (+3,3%) là cổ phiếu công nghệ có mức tăng vượt trội nhất lên mức giá 78.300 đồng/CP. Đây cũng là vùng giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn một năm qua (tính theo giá cổ phiếu cổ phiếu đã điều chỉnh do chia tách).
Bên cạnh đà tăng mạnh về giá, cổ phiếu FPT cũng ghi nhận phiên giao dịch bùng nổ với thanh khoản cao nhất trong năm 2023, đạt hơn 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng hơn 130% so với mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây.
Ngoài FPT, nhiều mã cổ phiếu công nghệ khác cũng tăng tốt, có thể kể đến như LTC (+8,3%), SBD (+9,5%), TST (+14,3%), SAM (+4,1%)...
Chứng khoán (+1,4%) và thép (+1,5%) vẫn duy trì sức tăng tốt từ sáng đến chiều, với nhiều mã cổ phiếu lớn góp sức kéo VN-Index đảo chiều tăng điểm về cuối phiên như: HPG (+1,7%), VND (+3,1%), VIX (+6,8%)...
Tính chung cả tuần giao dịch, VN-Index tăng 30,33 điểm (+2,67%) so với mức đóng cửa của tuần trước. Nhóm cổ phiếu bán lẻ và chứng khoán thu hút được dòng tiền tốt nhất với mức tăng lần lượt là 6,3% và 3,65%.
Top 10 mã cổ phiếu ảnh hưởng VN-Index trong tuần có đến 7 nhóm ngành, bao gồm: Ngân hàng (BID, MBB), Bất động sản (VHM, VIC), Thực phẩm và đồ uống (MSN, VNM), Tiện ích (GAS), Phần mềm (FPT), Dịch vụ tài chính (SSI).
Trong đó, BID và VHM là 2 mã ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index với mức tác động lần lượt là +3,1 điểm và +2,6 điểm. Chiều giảm điểm, STB và LPB là 2 mã ảnh hưởng lớn nhất khi giảm lần lượt 2% và 2,8%, ảnh hưởng lần lượt -0,3 và -0,2 điểm đến VN-Index.
Sự thận trọng của khối ngoại vẫn được ghi nhận vào phiên cuối tuần khi bán ròng với thanh khoản 371 tỷ đồng. Như vậy, sau một tuần, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 1.000 tỷ đồng trong tuần, trong đó đẩy mạnh bán STB, VRE và DGC hơn. Đây cũng là 3 cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất trong tuần. Ở chiều mua ròng, khối ngoại mua mạnh nhất SSI với giá trị 435 tỷ đồng.
Một tuần tích cực với cả 5 phiên tăng điểm có thể sẽ tạo nên áp lực chốt lãi trong các phiên sắp tới. Diễn biến chốt lãi có thể sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tuần sau, do đó vùng 1.175-1.180 điểm có thể sẽ tiếp tục là ngưỡng cản ngắn hạn của VN-Index trong tuần sau.