Chiến lược đầu tư sau nhịp điều chỉnh

Minh Lâm

Thị trường chứng khoán đã tiệm cận vùng 1.250 điểm và điều chỉnh mạnh trong ngày cuối tuần 23/2. Nhịp điều chỉnh diễn ra vào bối cảnh vĩ mô có sự biến động khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi “vĩ mô có đáng ngại?”; “liệu nhịp giảm này có diễn ra như nhịp giảm tháng 9/2023 hay không?”...

Nhịp điều chỉnh được dự báo trước

Sau khi tăng mạnh lên tiệm cận vùng giá 1.235 điểm - 1.255 điểm, tương ứng vùng đỉnh giá ngắn hạn hồi tháng 9/2023, VN-Index đã có tuần giao dịch (19/2-23/2) đầy cảm xúc.

VN-Index có phiên tăng sớm ngay đầu tuần, rồi giữ nhịp đi ngang, sau đó lại đảo chiều rất bất ngờ, tính ra về mặt điểm số thì thị trường không có nhiều thay đổi, vẫn quanh mốc 1.210 điểm nhưng những biến động của các nhóm ngành trong từng phiên là rất lớn, điều này cho thấy đã bắt đầu có sự bất ổn và phân hóa.

Hiệu suất sinh lời của các nhóm cổ phiếu từ đầu năm 2024.
Hiệu suất sinh lời của các nhóm cổ phiếu từ đầu năm 2024.

Nhìn lại diễn biến thị trường gần 2 tháng qua, VN-Index đã tăng hơn 100 điểm, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng rất tốt lên tới trên 50%. Tuy nhiên, các cổ phiếu dẫn sóng như Chứng khoán, Thép liên tục bị bán mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu duy trì đà giảm 5-6 phiên liên tiếp. Các cổ phiếu thế vai (lagging) như nhóm họ nhà Vin, các cổ phiếu lẻ, penny liên tục được đánh kéo lên.

Có thể thấy, đây là chỉ báo sớm báo hiệu thị trường chuẩn bị vào nhịp điều chỉnh khi dòng tiền rút ra khỏi cổ phiếu dẫn sóng và tìm đến những cổ phiếu bị lãng quên để kiếm tiền nhịp cuối. Điều này cũng đã diễn ra rất nhiều lần trước đây.

Bên cạnh đó, công cụ đo lường tâm lí thị trường trong tuần vừa qua cũng thể hiện sự hưng phấn, FOMO của nhà đầu tư, dấu hiệu cho thấy thị trường đã tăng nóng và cần có nhịp điều chỉnh để cân bằng lại. Hiện tượng “kéo xả” diễn ra thường xuyên. Chuỗi dòng tiền âm (dòng tiền mua chủ động – dòng tiền bán chủ động) tăng dần đều thể hiện ý đồ phân phối ngày càng rõ ràng. Phiên 23/02 có thể ví là giọt nước tràn ly, thể hiện đà bán rất quyết liệt.

Tuy vậy, nhịp điều chỉnh của thị trường lại “rất bình thường” vì các đợt tăng của thị trường đều xuất hiện các nhịp điều chỉnh. Các nhịp này ví như những “cơn mưa rào mùa hạ” góp phần hạ nhiệt cho thị trường, có tác dụng "chiết khấu" cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn, thu hút dòng tiền đứng ngoài tham gia vào thị trường. Đây là điều cần thiết để đảm bảo và duy trì sự dài hạn của sóng tăng.

Điều chỉnh để tăng tiếp?

Theo ông Lương Duy Phước - Trưởng phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Kafi, xu hướng của VN-Index đã trở thành xu hướng tăng trong trung dài hạn khi độ rộng thị trường đã mở rộng với số lượng cổ phiếu trên trung bình động 200 đã vượt lên trên gần 65% cho thấy thị trường chứng khoán đã bước vào pha tăng có thể kéo dài bằng năm.

Trên khung thời gian tuần, xu hướng tăng trung và dài hạn kể từ tháng 4/2020 vẫn đang tiếp diễn (đáy sau cao hơn đáy trước, trendline nối 3 đáy). 
Trên khung thời gian tuần, xu hướng tăng trung và dài hạn kể từ tháng 4/2020 vẫn đang tiếp diễn (đáy sau cao hơn đáy trước, trendline nối 3 đáy). 

Tuy vậy, các nhịp chỉnh là không thể nào tránh khỏi khi sự hưng phấn của thị trường chung hạ nhiệt dần cũng như thị trường cần một nhịp chỉnh lành mạnh để rũ bỏ áp lực bán đã tăng mạnh gần kháng cự 1.250 điểm. Một nhịp chỉnh là cần thiết để dòng tiền có thể luân chuyển từ các nhóm ngành trụ cột như Ngân hàng vốn đã tác động phần lớn đến tâm lý thị trường cũng như chỉ số chung trong giai đoạn đầu năm.

Do đó, nhà đầu tư có thể tạm yên tâm điều chỉnh của thị trường chung mang ý nghĩa kỹ thuật và là bước đệm để VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự cao mới. Nhịp điều chỉnh về hỗ trợ 1.160 điểm hoặc 1.200 điểm nhiều khả năng sẽ diễn biến trong 2-5 phiên trong 2 tuần tiếp theo khi các tín hiệu đã xuất hiện rõ ràng hơn trong tuần này.

Đồng thời, dòng tiền vẫn được tiếp tục kỳ vọng sẽ luân chuyển một cách chủ động từ các nhóm ngành đã tăng mạnh đến các nhóm ngành còn đang có mức tăng tương đối khiêm tốn hơn trong giai đoạn này.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường đang trong nhịp tăng ở tháng thứ 4 liên tiếp, kể từ đầu năm cũng chỉ có 2 tuần điều chỉnh nhẹ ở khu vực 1.180 điểm.

Tuy giảm mạnh phiên cuối tuần nhưng chốt tuần chỉ số VN-Index vẫn giữ được thành quả tăng +2,3 điểm (+0,19%) so với tuần trước, đạt 1.212 điểm, đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số này. Áp lực chốt lời mang tính kỹ thuật thị trường tại vùng đỉnh, chưa làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường. Áp lực chốt lời khả năng còn tiếp diễn, thị trường có thể kiểm định các ngưỡng hỗ trợ ở 1.180 - 1.190 điểm trong các phiên sắp tới.

Về chiến lược đầu tư trong tuần này (26/2-1/3), những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu giảm sâu nên đưa tài khoản về không margin, tránh giảm mạnh bị ép bán ngay đáy và kiên nhẫn chờ đợi ngày "Bùng nổ theo đà" để gia tăng tỷ trọng.

Đối với nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu dẫn sóng mới giảm như Ngân hàng cần lưu ý, dòng tiền sẽ chuyển sang nhóm cổ phiếu khác được chiết khấu, do đó, nên nhà đầu tư hạ tỷ trọng hoặc bán hết đợi thời điểm mua lại sau.

Nhà đầu tư nào vẫn còn đang giữ tiền mặt thì tận dụng nhịp điều chỉnh, quan sát nhóm cổ phiếu đã giảm trước thị trường chung và tạo đáy trước, nhóm này sẽ xuất hiện các siêu cổ phiếu thời gian tới.