VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm: Phía sau chuyện đắt - rẻ
Những ngày qua, khi VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm một cách dễ dàng, vấn đề định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam lại được đem ra mổ xẻ và đã có nhiều quan điểm trái chiều nhau.
Sự thận trọng cần thiết
Theo số liệu từ một hãng tin quốc tế về tài chính cách đây vài ngày thì P/E của thị trường chứng khoán nước ta đã lên đến 18 lần cao nhất trong nửa thập kỷ qua và một công ty chứng khoán khác thì cho rằng Việt Nam không còn là thị trường rẻ nhất khu vực. Nhưng hôm qua lại có bài viết trên một cổng thông tin tài chính cho rằng nếu loại bỏ một số cổ phiếu vốn hoá lớn đã tăng mạnh thì chứng khoán Việt Nam vẫn còn… rẻ chán.
Tuy nhiên, giai đoạn tái cấu trúc từ 2010-2015 đã buộc suy nghĩ và kinh nghiệm của nhà đầu tư nói riêng và cả thị trường nói chung phải thay đổi. Để có thể tìm kiếm lợi nhuận, nhà đầu tư buộc phải lựa chọn cổ phần một cách chuẩn xác và đặc biệt phải thận trọng hơn nhiều. Vậy nên, việc đặt ra vấn đề đắt-rẻ cho thấy sự thận trọng, thậm chí dè chừng cần thiết của nhiều người khi mà thị trường đã tăng không ngừng nghỉ từ năm 2016 cho đến giờ.
Quy luật của thị trường
Đắt vẫn có thể đắt hơn, rẻ vẫn có thể rẻ hơn, mấu chốt là cổ phần có khả năng tạo ra lợi nhuận hay không, đó là lý lẽ của sự thực dụng mà nhiều người vẫn chấp nhận. Đắt-rẻ phụ thuộc rất nhiều vào cung-cầu mà ở đây là dòng tiền tham gia thị trường. Việc VN-Index lần lượt vượt 880 điểm, 900 điểm rồi cả 930 điểm như phiên 22/11 đang tạo ra cảm giác thị trường (nếu xem) đắt vẫn có thể đắt hơn.
Lý lẽ ở đây là Việt Nam đang nằm trong nhóm thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới, các quỹ sẽ buộc phải tham gia. Nếu không những người bỏ tiền vào quỹ (investor) sẽ chất vấn các nhà quản lý quỹ (fund manager) tại sao lại bỏ lỡ một thị trường tiềm năng như vậy. Điều này tạo ra kỳ vọng dòng tiền đã đổ vào vẫn có thể tiếp nối bằng những dòng tiền mới khác để tận dụng sóng của thị trường.
Nhưng vấn đề là cách thức tăng giá của thị trường, xu hướng chung vẫn là tăng, nhưng tận dụng cơ hội như thế nào lại là chuyện khác. Một tháng qua, dòng tiền tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phần vốn hoá lớn như: VNM, SAB, FPT, MWG… hoặc nhóm cổ phần có khả năng được nhà nước thoái vốn. Trong khi còn lại nhóm penny chips hay mid cap gần như không tăng giá.
Không có cổ phần nào có thể tăng mãi, nhưng sai lầm của một số nhà đầu tư dưới sức ép tăng giá của thị trường vẫn có thể mua vào những cổ phần ở mức rất cao để rồi sau đó phải bán với giá thấp. Ngược lại, cũng có những cổ phần sau một thời gian dài đi ngang, tích luỹ đủ lại bật lên nhưng một số người thiếu kiên nhẫn lại “xả hàng” ngay tại chân sóng và mất đi cơ hội.
Dựa vào dòng tiền hiện nay với mỗi phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh lên đến 5.000 tỷ đồng/phiên thì dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục đổ vào thị trường, nhưng điều quan trọng lúc này là nhà đầu tư cần tìm những cổ phần có khả năng tăng giá. Quy luật phổ biến là thị trường khi đã vào sóng tăng thì đa phần cổ phần cũng sẽ hưởng lợi, cần tìm những cổ phần rẻ là chưa đủ, rẻ cần có thêm khả năng tăng giá.