“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
(Tài chính) “Sẽ tăng cường phối hợp, triển khai nhiều biện pháp mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trốn thuế”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Đây cũng là lời cam kết, nhằm mang lại sự công bằng cho các doanh nghiệp (DN) và chống thất thu ngân sách nhà nước…
Trong những năm qua cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế, tình trạng vi phạm pháp luật thuế cũng ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp và tinh vi hơn. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, hiện số lượng DN đăng ký kinh doanh tại Việt Nam là khoảng 500.000, nhưng số đơn vị thường xuyên có doanh số kê khai khoảng 390.000. Trong số đó, mỗi năm cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được từ 18-20% nhưng có đến khoảng 92% số DN thanh, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế. Các trường hợp vi phạm đều được cơ quan thuế cảnh báo, xử lý nghiêm, truy thu, xử phạt với số tiền không nhỏ.
Cụ thể, năm 2012, ngành Thuế đã đã truy thu, nộp ngân sách 12.600 tỷ đồng (riêng 9 tháng đầu năm 2013, số truy thu thuế lên tới 8.500 tỷ đồng…). Đơn cử, tại Hà Nội, trong thời gian qua, cơ quan Thuế Thủ đô đã xử phạt gần 7.500 DN sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT), trị giá 141 tỷ đồng. Điển hình nhất là hai vụ mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT tại Công ty TNHH Thương mại vật tư thiết bị điện và Công ty TNHH Thương mại kinh doanh vật tư thiết bị điện công nghiệp. Hai DN này đã bán khống gần 700 tờ hóa đơn thuế GTGT với tổng số tiền ghi trên hóa đơn hơn 30 tỷ đồng…
Cũng với hành vi gian lận, chiếm đoạn tiền thuế nhà nước bị cơ quan thuế phanh phui. Điển hình, mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, đối tượng Nguyễn Văn Nhi cùng đồng phạm đã thành lập 10 DN “ma” để mua bán hóa đơn với doanh số sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng, gậy thiệt hại cho Nhà nước hơn 390 tỷ đồng tiền thuế GTGT.
Trường hợp khác, đối tượng Nguyễn Văn Phui - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hữu Tài (TP. Cần Thơ) đã sử dụng 136 hóa đơn GTGT, tổng doanh số hơn 44 tỷ đồng, tiền thuế GTGT là 4,439 tỷ đồng của 17 DN có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh để thực hiện khấu trừ đầu vào. Đồng thời, xuất bán 708 hóa đơn GTGT cho 109 công ty ở các tỉnh, thành phố, với tổng doanh số hơn 42,2 tỷ đồng, gây thiệt hại về thuế GTGT khoảng trên 11 tỷ đồng…
Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi gian lận thuế. Thời gian qua, hoạt động thu ngân sách cũng đã ghi nhận sự đóng góp rất tích cực và hiệu quả của ngành Công an trong việc phối hợp đấu tranh, phòng, chống tội phạm thuế. Tiêu biểu, trong 5 năm qua, hai cơ quan Thuế và Công an đã triệt phá, xử lý hình sự 218 vụ, xử lý hành chính 10.155 vụ và truy thu, truy hoàn cho ngân sách nhà nước hơn 782,6 tỷ đồng.
Đồng thời, hai bên đã cung cấp, trao đổi qua lại hơn 27.500 công văn, tài liệu thông tin về vụ việc liên quan tới lĩnh vực thuế. Lực lượng công an đã chủ động chuyển cho cơ quan thuế hơn 3.400 công văn, tài liệu, cơ quan Thuế cũng đã chuyển cho cơ quan Công an hơn 9.600 tài liệu, thông tin và cung cấp hơn 14.000 vụ theo đề nghị của cơ quan Công an…
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nhận định, số vụ vi phạm về thuế bị phát hiện mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Thực tế, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế rất cao, mà chưa bị phanh phui. Nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Dự báo, trong thời gian tới, bên cạnh những vi phạm phổ biến như trên thì nhiều tội phạm mới sẽ xuất hiện như gian lận thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở Khu kinh tế thương mại tự do, gian lận thuế trong ngành kinh doanh bảo hiểm, thuế nhà thầu, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh tư vấn pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Trong vòng 5 năm, cơ quan công an đã triệt phá và phối hợp với cơ quan thuế xử lý hình sự 218 vụ, xử lý hành chính 10.155 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế, thu hồi cho ngân sách hơn 782 tỷ đồng tiền gian lận thuế, phạt vi phạm hành chính về thuế.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, tố cáo, phối hợp đấu tranh phòng ngừa tội phạm thuế không chỉ còn là nhiệm vụ riêng của ngành Thuế và Công an mà cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Đặc biệt, bên cạnh việc có chế tài đủ mạnh, Nhà nước cần tăng quyền cho cơ quan thuế xử lý đối với các hành vi, tội phạm thuế. Bởi, một trong những nguyên nhân dẫn đến là tình trạng tội phạm thuế gia tăng được nhiều chuyên gia cho là khung xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe… Cùng với đó, tình trạng thành lập DN quá dễ dàng khiến việc quản lý thuế gặp nhiều khó khăn.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), cần có các quy định chặt chẽ điều kiện thành lập DN. Để thành lập DN cần có ít nhất 3 điều kiện về nhân thân, cơ sở vật chất – tài chính và điều kiện tối thiểu về quản trị kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế và khung xử lý nghiêm, triệt để các thủ đoạn lợi dụng tạm nhập, tái xuất, buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, vấn đề hóa đơn GTGT, trốn thuế, gian lận thuế, bỏ trốn, mua bán hóa đơn, vi phạm pháp luật trong việc tự in hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Tội phạm lợi dụng việc giao dịch điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn thuế, nhất là hành vi chuyển giá trong các DN có vốn nước ngoài.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11-2013