Vốn cho nhà ở xã hội: Chính sách phải đi liền với ngân sách

Theo vân Anh/baoxaydung.com.vn

Mặc dù lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam khẳng định năm 2018 vừa qua, chưa có hồ sơ nào đủ điều kiện mà không được vay vốn mua nhà ở xã hội, nhưng các chuyên gia cho rằng, nguồn vốn cho chương trình này vẫn còn quá ít, chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế hiện nay.

 từ năm 2018 - 2020, Chính phủ bố trí được khoảng 2.326 tỷ đồng cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội. Nguồn: Internet
từ năm 2018 - 2020, Chính phủ bố trí được khoảng 2.326 tỷ đồng cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội. Nguồn: Internet

Theo ước tính, từ năm 2018 - 2020, Chính phủ bố trí được khoảng 2.326 tỷ đồng (riêng năm 2018 là 1.000 tỷ đồng) cho các đối tượng vay mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Xây dựng thì tới năm 2020, nhu cầu này đã lên tới 18.000 tỷ đồng. Do đó, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc bố trí vốn cho chương trình này.

Tình trạng thiếu vốn phát triển nhà ở xã hội không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn ở cả các địa phương khác. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh này cho biết, năm 2018, Quảng Nam đã được phân bổ 50 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, nhu cầu của địa phương cũng như người dân còn hơn thế nhiều, mà chưa có nguồn vốn bổ sung.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội trăn trở: “Đây là chương trình nhân văn, đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng hiện chưa đáp ứng được. Đó là điều mà chúng tôi trăn trở nhất. Tôi tin tưởng rằng, những khó khăn lớn về nguồn vốn sẽ dần được giải quyết, còn những khó khăn nhỏ, trước sau cũng xử lý được".

Để tháo gỡ nút thắt về vốn cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có văn bản, đề xuất Chính phủ bố trí thêm 3.000 tỷ đồng. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn khác cũng đã được đưa ra như các địa phương có nguồn thu tốt thì có thể dành một khoản để chuyển ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội; Có chính sách thực hiện bù lãi suất phù hợp, vừa đảm bảo an toàn, độ mở và độ chắc chắn để ngân hàng thương mại thấy được có lợi ích tham gia thực hiện cho vay nhà ở xã hội; Lồng ghép chính sách nhà ở xã hội với các chương trình khác như vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới...

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì chính sách phải đi liền với ngân sách. Đầu tiên, phải rà soát lại hệ thống chính sách của chúng ta đối với nhà ở xã hội. Chính sách phải gắn liền với thực tiễn đời sống, phải có tính hấp dẫn, thông thoáng, thủ tục phải gọn nhẹ và thuận lợi thì mới có tính thu hút, khả thi. Bên cạnh đó, muốn có nguồn lực, phải xây dựng được đề án, chiến lược cụ thể và xuất phát từ thực tế. "Tôi đi khảo sát, giám sát ở DN, có những DN cho biết, nếu Chính phủ có mục tiêu, có điều kiện và chủ trương xây nhà hỗ trợ cho công nhân thu nhập thấp bằng nguồn của Nhà nước thì DN có thể đóng góp một phần để thu hút, hỗ trợ cho người lao động hoặc vay hộ cho công nhân với thời hạn dài hơn và thậm chí không có lãi suất", ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Bên cạnh khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn thì trong quá trình giải ngân cũng gặp không ít rắc rối. Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, có căn hộ nhà ở xã hội đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ đấy. Và vấn đề này cần rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, tại địa bàn nông thôn, một số hộ có nhu cầu vay để xây, cải tạo nhà ở nhưng giấy tờ đất không đủ điều kiện vay (chưa chuyển đổi sang đất thổ cư). Một số hộ cha mẹ cho con đất để cất nhà nhưng không chuyển quyền sở hữu... cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Hoặc là khi xây dựng không có thiết kế, dự toán được phê duyệt nên thiếu căn cứ để phê duyệt mức đầu tư.

Hơn nữa, theo quy định cho vay vốn nhà ở xã hội, đối với xây, cải tạo nhà ở để ở, địa chỉ hộ khẩu thường trú đồng thời là địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng hiện nay có tình trạng địa chỉ hộ khẩu thường trú của người có nhu cầu vay không đồng thời là địa chỉ ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nhiều hồ sơ vay vốn về xây dựng trên mảnh đất không nằm trong quy hoạch hoặc chưa được phê duyệt... Như vậy sẽ khó để được vay.