Vốn đầu tư tiếp tục đổ vào các nền tảng thương mại điện tử


Thương mại điện tử tiếp tục là điểm đến của các dòng vốn đầu tư, trong bối cảnh vốn đầu tư mạo hiểm vẫn thận trọng với cả công nghệ lẫn start-up và sụt giảm mạnh.

Các quỹ đầu tư ngày càng chọn lọc "điểm đến". (Ảnh minh họa)
Các quỹ đầu tư ngày càng chọn lọc "điểm đến". (Ảnh minh họa)

Klook vừa công bố đạt vòng gọi vốn thành công, được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư quốc tế danh tiếng cùng các tổ chức đầu tư trong khu vực.

Cụ thể, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu châu Á dành cho trải nghiệm và dịch vụ du lịch Klook, trong hôm nay 7/12 vừa công bố đã hoàn tất thành công khoản huy động vốn trị giá 210 triệu USD để thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và tăng cường ổn định tài chính cho công ty. Đơn vị dẫn đầu của vòng gọi vốn là Bessemer Venture Partners, cùng với sự tham gia của BPEA EQT, các quỹ đầu tư châu Á Atinum Investment và Golden Vision Capital, các tổ chức đầu tư tại Đông Nam Á bao gồm Krungsri Finnovate (thuộc Bank of Ayudhya), Kasikornbank Financial Conglomerate và SMIC SG Holdings. Vòng huy động lần này còn bao gồm các khoản hỗ trợ linh hoạt từ ngân hàng Citi, J.P. Morgan và HSBC.

Klook cho biết đối với nhiều thị trường châu Á, 2023 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi của ngành du lịch với những con số tăng trưởng đầy hứa hẹn và sự vực dậy của ngành hàng không. Bất chấp thị trường vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, Klook đã ghi nhận tình hình kinh doanh bùng nổ đáng chú ý, vượt qua các cột mốc quan trọng trước đó với mức tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2019 và tổng giá trị đơn đặt hàng theo năm chạm mốc 3 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên đạt được mức lợi nhuận tổng thể vào đầu năm nay.

Ông Ethan Lin, Tổng Giám đốc Điều hành (CEO) và Nhà đồng sáng lập Klook ghi nhận thành tựu này là nhờ nỗ lực tập thể của toàn bộ nhân viên công ty trong việc thiết lập một nền tảng vững chắc cho kỷ nguyên du lịch hậu COVID. “Trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi đã đầu tư gấp đôi nguồn lực của mình vào công cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch “số hóa” và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, bao gồm cả các dịch vụ cho thuê ô tô và trải nghiệm ngoài trời. Điều này giúp chúng tôi có được bệ phóng vững chắc để nắm bắt các xu hướng du lịch mới sau đại dịch,” ông Ethan Lin cho biết.

Trước Klook, nhiều nền tảng thương mại điện tử cũng đã đạt được kết quả từ các vòng gọi vốn khá tích cực. Đặc biệt, hậu COVID-19, theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022, vốn đầu tư tìm đến các lĩnh vực thương mại điện tử và Fintech, như một sự đón đầu để tiến tới dẫn dắt "cuộc chơi" kinh doanh trong thời công nghệ số. Năm 2022, OnPoint, doanh nghiệp cung cấp giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đã gọi vốn thành công 50 triệu USD từ quỹ đầu tư SeaTown Private Capital Master Fund, quỹ đầu tư trực thuộc SeaTown Holdings International, thành viên Temasek Holdings. Đây cũng được một trong những thương vụ gọi vốn thành công lớn nhất ngành hỗ trợ phát triển thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á trong 5 năm qua tính đến tháng 6/2022. 

Temasek Holdings cũng đứng sau nhiều thương vụ rót vốn lớn đầu tư vào Việt Nam, với các doanh nghiệp lớn; cùng với đó Tập đoàn đầu tư của Chính phủ và Bộ Tài chính Singapore cũng rót vốn khủng cho các nền tảng công nghệ của Việt Nam như GHN, AhaMove, VNG; hay cùng các đối tác là các quỹ đầu tư mạo hiểm "đỡ vốn" cho Tiki, KiotViet và Appota phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài ra, ông lớn Sea vẫn đang bền bỉ đổ vốn cho nền tảng thương mại điện tử Shopee, là những ví dụ.

Năm 2022, trong top 10 các thương vụ đầu tư mạo hiểm trị giá tỷ đô trên toàn cầu, ngoài lĩnh vực xe tự hành, xe điện, công nghệ sạch, năng lượng... vốn mạo hiểm cũng rót vào nền tảng giáo dục trực tuyến Articulate Global: 1,5 tỷ USD; hay đầu tư vào lĩnh vực dữ liệu của Databricks: 1,6 tỷ USD... 

Tuy nhiên, năm 2023, vốn đầu tư mạo hiểm nói riêng và các dòng vốn đầu tư vào công nghệ nói chung, lại được ghi nhận có sụt giảm mạnh. Trên toàn cầu, vốn đầu tư mạo hiểm đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm.

Tại Đông Nam Á, theo tờ Nikkei Asean, kể từ đầu năm 2023 đến ngày 31/05, vốn đầu tư mạo hiểm đạt 4 tỷ USD, giảm 65% so với 6 tháng đầu năm 2022, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin. Đây là mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2019. Vốn đầu tư vào Indonesia và Singapore đã giảm lần lượt 70% và 65% trong cùng giai đoạn.

Còn tại Việt Nam, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam ở 2022 là 2,6 tỷ USD, vượt con số kỳ vọng đặt ra; Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng ước tính, tổng vốn đầu tư đổi mới sáng tạo vào Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn riêng cho hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2022 chỉ đạt hơn 600 triệu USD, và thực tế 6 tháng/ 2023 vẫn dừng ở mức hơn 400 triệu USD.

Dù vậy, nhìn rộng trong khu vực châu Á, bất chấp sự chuyển dịch của các dòng vốn đầu tư và một "mùa đông" của giới đầu tư mạo hiểm vẫn đang tiếp tục "giảm nhiệt", một số lĩnh vực vẫn gợi mở các cơ hội cho các quỹ đầu tư, từ triển vọng của các ngành được cho sẽ bứt phá sau COVID-19. Với các nền tảng thương mại điện tử trong du lịch, trên cơ sở dự báo ngành du lịch toàn cầu sẽ tăng vọt lên mức đáng kinh ngạc 15,5 nghìn tỷ USD vào năm 2033, trong đó Châu Á Thái Bình Dương dẫn đầu là khu vực phát triển nhanh nhất; bên cạnh đó với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11% ở Châu Á Thái Bình Dương (từ 2023-2028), gần gấp đôi so với Bắc Mỹ và Châu Âu, khu vực năng động này dự kiến sẽ chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường du lịch toàn cầu, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, chi tiêu cho tiêu dùng tăng lên và ngày càng nhiều người có nhu cầu về những trải nghiệm du lịch độc đáo; cơ hội của vốn  đầu tư hứa hẹn không chỉ dừng lại ở những thương vụ bùng nổ tại serie gọi vốn như của Klook.

Theo An Định/Diendandoanhnghiep.vn