Vốn hóa thị trường chứng khoán đã tương đương 60% GDP
Đây là con số được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra về giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến thời điểm cuối tháng 9/2017.
Bên cạnh thị trường chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh dù mới đưa vào hoạt động nhưng vẫn được đón nhận tương đối tích cực.
Trên thị trường trái phiếu, công tác huy động vốn kém thuận lợi hơn trong tháng 9/2017 vừa qua do lãi suất đang tạo đáy và nhu cầu đối với trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn từ 15 năm trở lên giảm mạnh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Kho bạc Nhà nước huy động được 147.129 tỷ đồng từ phát hành TPCP, hoàn thành 81,7% kế hoạch năm 2017 (183.300 tỷ đồng).
Thị trường TPCP 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực với kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt 13 năm, cao nhất từ trước đến nay (tăng 4,32 năm so với mức 8,68 năm so với 2016). Cùng đó, lãi suất phát hành TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối 2016. Quan sát đường cong lợi suất TPCP cho thấy độ dốc của lợi tức TPCP tháng 9 thoải hơn so với đầu năm, đặc biệt ở kỳ hạn ngắn, phản ánh kỳ vọng về việc lạm phát có thể được kiểm soát tốt trong năm 2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 1.450 triệu USD, gồm 790 triệu USD trái phiếu, 660 triệu USD cổ phiếu. Giá trị mua ròng tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9, mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán ước đạt 33 triệu USD, trong đó bán ròng 12 triệu USD cổ phiếu và mua ròng 45 triệu USD trái phiếu.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế. Thống kê của Ủy ban cho thấy từ 10/8 tới 22/9, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 0,07% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 33,8% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,2% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%.