Vốn ngoại đang rút lui, thị trường có nguy cơ đạt đỉnh ngắn hạn?
Thêm nửa tháng 10 trôi qua, thị trường chứng khoán vẫn băng băng tiến lên phía trước với chỉ số VN-Index vượt qua các đỉnh ngắn hạn. Chỉ số hiện đang đã vượt 820 điểm, lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2008.
Mạch thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2017 vẫn đang tung ra dồn dập và nhiều cổ phiếu tăng giá rất tốt. Tuy nhiên trái ngược với sự hứng khởi của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài lại đang rút dần vốn khỏi thị trường.
Hơn 1.400 tỷ bán ròng từ đầu tháng 9
Động thái bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10 là điểm đáng chú ý nhất trong chu kỳ tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hơn 1,5 tháng bán ròng liên tục với quy mô 1.450,5 tỷ đồng trên cả hai sàn là điều khác lạ. Đây cũng là đợt bán ròng đầu tiên trong năm nay.
Kể từ đầu tháng 9/2017 đến giữa tháng 10, VN-Index đạt mức tăng trưởng 4,88%. Tính từ đầu năm 2017, chỉ số này tăng trưởng 23,6%, đã không còn lọt vào Top 10 thị trường tăng trưởng nhất thế giới. Nguyên nhân là nửa cuối tháng 9, thị trường có thời gian khá dài đi ngang và tăng trưởng chậm lại so với các thị trường khác. Tuy nhiên thị trường tăng trưởng thứ 10 thế giới là Brazil cũng chỉ đạt mức 27,8%, không lớn hơn bao nhiêu so với Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán được hỗ trợ từ tốc độ tăng trưởng kỷ lục của nền kinh tế, do đó mức tăng trưởng nói trên cũng không phải là quá khác thường. Mặc dù vậy, trong một chu kỳ tăng trưởng lớn, vẫn có các thời điểm thị trường điều chỉnh ngắn hạn.
Trong suốt 10 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài vẫn hỗ trợ thị trường với mức mua vào rất lớn. Kể cả khi trong 1,5 tháng qua dòng vốn này chảy ra thì tổng giá trị vốn rót vào thị trường tính đến 15/10/2017 vẫn đạt 12.122 tỷ đồng.
Dòng vốn gián tiếp chảy thẳng vào thị trường chứng khoán cũng phù hợp với tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo số liệu đầu tư trực tiếp 9 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục, lên tới 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó vốn giải ngân FDI cũng bất ngờ tăng mạnh, đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Ngoài ra, có 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,16 tỷ USD, tăng 64%.
Như vậy tổng thể dòng vốn nước ngoài đang vào Việt Nam rất mạnh, vài ngàn tỷ đồng bị bán ròng trên thị trường chứng khoán không phản ánh được xu hướng thay đổi của dòng vốn này.
Mặt khác, đặc thù của dòng vốn vào thị trường chứng khoán bao gồm cả dòng vốn ngắn hạn lẫn dài hạn và tính chất hoạt động khác nhau. Với mức tăng trưởng trên 23% chỉ từ đầu năm, nếu nhà đầu tư ngắn hạn hiện thực hóa lợi nhuận cũng không phải là điều gì quá bất thường.
Quả thực các giao dịch bán lớn nhất dẫn tới hiện tượng chảy ngược của dòng vốn gián tiếp nói trên là một số giao dịch cá biệt. Ví dụ trong tháng 9, PVD bị rút vốn ròng 710,5 tỷ đồng, MSN bị rút 492,3 tỷ đồng, SSI bị rút 459,2 tỷ đồng, PVS bị rút 583,4 tỷ đồng, NTP bị rút 558 tỷ đồng…
Ngược lại, trong tháng 9 cũng có 6 doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn mua trên 1.000 tỷ đồng. Đó là VNM với 4.679 tỷ đồng, HPG với 1.763,3 tỷ đồng, VPB với 1.456,7 tỷ đồng, PLX với 1.449,4 tỷ đồng, PGD với 1.243,7 tỷ đồng, VCI với 1.095,8 tỷ đồng.
Rõ ràng là hoạt động của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn đan xen giữa dài hạn và ngắn hạn. Lấy ví dụ VNM đang được tổ chức của Thái Lan mua vào liên tục nhằm đầu tư dài hạn. Ngân hàng VPB vừa lên sàn đã tìm được đối tác nước ngoài mua nốt số cổ phần còn dư thừa trong tỷ lệ sở hữu.
Thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng?
Với tốc độ tăng trưởng trên 23% trong 10 tháng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mức tăng trưởng kỷ lục kể từ năm 2009. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng đà tăng trưởng sẽ băng băng mà không có nhịp nghỉ nào. Thực tế từ đầu năm 2017, thị trường đã có nhiều nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Ba nhịp điều chỉnh đáng kể nhất là giai đoạn tháng 4 với mức giảm 27,3 điểm hay 3,8%. Nhịp điều chỉnh tháng 7 với 28,95 điểm, hay 4,7%. Nhịp điều chỉnh nửa cuối tháng 8 với 37,61 điểm hay 4,8%. Nếu như thị trường lại có một nhịp điều chỉnh ngắn hạn nữa thì cũng không phải là chuyện bất thường.
Xu thế trên thị trường chứng khoán thường được chia làm 3 cấp độ khác nhau. Cấp độ lớn nhất là xu thế tăng/giảm dài hạn, tính bằng nhiều năm. Có thể thấy xu thế này đang kéo dài liên tục từ đáy 2009, khi chạm đáy khủng hoảng tài chính toàn cầu. Xu thế trung hạn được tính bằng nhiều tháng, tăng giảm trong xu thế dài hạn. Hiện tại thị trường đang nằm trong xu thế tăng trung hạn kéo dài từ đầu năm 2016.
Xu thế ngắn nhất là các biến động ngắn hạn, tính bằng vài tuần hay vài tháng, tăng giảm đan xen trong một xu thế trung hạn. Thị trường đã trải qua các xu thế ngắn hạn này như mới kể ra ở trên.
Với xu thế dài hạn lẫn trung hạn vẫn là tăng trưởng, thị trường dù có trải qua các nhịp điều chỉnh ngắn hạn thì vẫn chỉ là giảm trong trạng thái tăng trưởng. Các biến động ngắn hạn được đặc trưng bởi các yếu tố mùa vụ cũng như chốt lời đầu cơ, trong khi xu thế dài hạn và trung hạn được đặc trưng bởi các yếu tố cơ bản. Không phải ngẫu nhiên xu thế tăng trung hạn từ 2016 đến nay rất mạnh, vì nền kinh tế Việt Nam đang gia tăng tốc độ tăng trưởng, sau nhiều năm nỗ lực phục hồi.
Nếu như thị trường sụt giảm ngắn hạn có thể do hiện tượng chốt lời, thậm chí là khi nhà đầu tư nước ngoài bán ra như thống kê phần trước, thì thị trường chỉ có thể thay đổi xu thế dài hạn khi yếu tố vĩ mô thay đổi.