Vụ Eximbank đòi nợ, ai là đại diện của pháp nhân?
(Tài chính) Đầu tư Chứng khoán số 31 đã đưa tin về vụ kiện đòi nợ của Eximbank với Công ty Toàn Cầu. Một diễn biến khác của vụ kiện là hiện chưa xác định được người đại diện Công ty Toàn Cầu tham gia tố tụng.
Tranh cãi về nghĩa vụ bảo lãnh
Ở cấp sơ thẩm, Tòa án chấp nhận yêu cầu của Eximbank, buộc Công ty Toàn Cầu phải trả Ngân hàng gần 13 tỷ đồng, nhưng bác yêu cầu phát mại tài sản. Không chấp nhận phán quyết này, Eximbank đệ đơn kháng cáo.
Tại cấp phúc thẩm, Eximbank cho rằng, sau khi cấp hạn mức tín dụng 70 tỷ đồng cho Công ty Toàn Cầu vào năm 2008, Ngân hàng đã tiến hành giải ngân theo khế ước nhận nợ. Trong đó, khoản nợ đang tranh chấp, Công ty Toàn Cầu đã làm giấy đề nghị vay vốn và trong giấy đề nghị này chỉ rõ tài sản bảo đảm là nhà đất của vợ chồng ông Đình Anh - bà Thủy. Ngân hàng và vợ chồng ông Đình Anh đã làm hợp đồng thế chấp, có công chứng, có đăng ký giao dịch bảo đảm.
Khoản tiền 51 triệu đồng mà Tòa án buộc Eximbank phải trả lại cho ông Anh, Eximbank cho rằng, đây là quyết định không hợp lý vì đó là tiền ông Anh tự nguyện nộp cho Ngân hàng để khắc phục hậu quả.
Có nhiều biên bản làm việc giữa ông Anh và Eximbank, trong đó ông Anh thừa nhận nghĩa vụ bảo lãnh, thừa nhận việc đưa tài sản vào để bảo đảm cho khoản vay của Công ty Toàn Cầu và nhận trách nhiệm trả khoản nợ 5 tỷ đồng. Không có lý gì bây giờ ông Anh không thừa nhận nghĩa vụ trả nợ.
Trong khi đó, ông Đình Anh phản bác rằng, ông không biết gì về việc cho vay, hợp đồng tín dụng không có chữ ký của ông, không chỉ rõ tài sản bảo đảm cho khoản 5 tỷ đồng này chính là nhà đất của ông, trái với cam kết trong hợp đồng thế chấp.
Đáng chú ý, nhà đất thế chấp trong vụ kiện này được bán bớt 20 m2 từ năm 2001 và chủ mới đã xây nhà, xây tường bao, tách diện tích này ra khỏi nhà đất được thế chấp. Tuy nhiên, vào năm 2008, khi Eximbank cho vay và đi thẩm định tại chỗ thì nhân viên của ngân hàng này không phát hiện ra thực tế nhà đất thiết hụt so với diện tích ghi trong sổ đỏ. Biên bản thẩm định cũng không ghi rõ thực tế đo đạc, các mốc giới, tiếp giáp của khu đất…
Chưa xác định được đại diện Công ty Toàn Cầu tham gia tố tụng
Một diễn biến khác của vụ kiện, cựu Giám đốc Công ty Toàn Cầu, ông Phạm Quốc Thắng đã bị bắt, điều tra, xét xử vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 90 tỷ đồng. Ông Thắng bị kết án tù chung thân và hiện đang thi hành án phạt. Trong vụ án này, Eximbank được xác định là đã cho vay theo 9 khế ước, cho vay gần 46 tỷ đồng. Khế ước đang tranh chấp với ông Đình Anh được xác định là không nằm trong số 9 khế ước thuộc vụ án hình sự nói trên.
Do ông Thắng đang thi hành án phạt tù chung thân nên vấn đề đặt ra là xác định người đại diện cho Công ty Toàn Cầu tham gia tố tụng trong vụ kiện đòi nợ hiện tại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định, ông Phạm Anh Tuấn, thành viên còn lại của Công ty Toàn Cầu là người đại diện đương nhiên, tham gia tố tụng. Tuy nhiên, ông Tuấn không thừa nhận điều này vì cho rằng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ghi nhận ông Tuấn là một trong hai thành viên Công ty) được cấp trên cơ sở hồ sơ không hợp pháp.
Ở cấp sơ thẩm, theo trình bày của cựu Giám đốc Công ty Toàn Cầu (ông Phạm Quốc Thắng), năm 1995, ông Thắng cùng 4 người khác góp vốn thành lập Công ty. Quá trình hoạt động, một số thành viên đã rút vốn và chỉ còn mình ông Thắng. Để phù hợp với quy định của pháp luật, ông Thắng đã nhờ ông Phạm Anh Tuấn đứng tên để Công ty có hai thành viên góp vốn. Việc này mới chỉ nói miệng với nhau, nhưng sau đó, ông Thắng đã làm hồ sơ, ký giả chữ ký của ông Tuấn để xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cơ bản ông Tuấn thừa nhận lời khai của ông Thắng và trình bày rằng, đến khi ông Thắng bị bắt thì ông Tuấn mới biết mình đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Việc vay nợ ngân hàng, ông Tuấn không biết, không ký vào Biên bản họp Hội đồng thành viên, chữ ký trong đó là chữ ký giả. Quá trình điều tra vụ án lừa đảo do ông Thắng gây ra, cơ quan điều tra đã xác định, ông Tuấn không liên quan đến Công ty Toàn Cầu. Do đó, ông không có trách nhiệm với khoản nợ mà Eximbak đang đòi.
Ở cấp sơ thẩm, ông Tuấn đã yêu cầu Tòa án giám định chữ ký của ông trong hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh. Kết quả giám định cho thấy, chữ ký trong hồ sơ không khớp với chữ ký của ông Tuấn.
Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm xác định, ông Tuấn là đại diện đương nhiên của pháp nhân. Do đó, ông Tuấn đã kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm không xác định ông là đại diện của Công ty Toàn Cầu.
Theo người đại diện cho ông Tuấn, hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty Toàn Cầu có sự giả mạo là hồ sơ không hợp pháp. Trong trường hợp này, pháp luật quy định cơ quan cấp đăng ký kinh doanh sẽ thu hồi giấy phép này và khôi phục hiệu lực pháp luật của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đó.
Tại cấp phúc thẩm, phía ông Tuấn xuất trình cho Tòa án công văn của cơ quan cấp đăng ký kinh doanh có nội dung xác nhận việc cơ quan này có nhận được đơn khiếu nại của ông Tuấn. Công văn này cho hay, nếu hồ sơ đăng ký kinh doanh bị giả mạo, trái pháp luật, cơ quan cấp đăng ký kinh doanh sẽ thu hồi và khiếu nại của ông Tuấn đang được xem xét, giải quyết.
Chính vì vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại. Dự kiến, ngày 16/3 tới, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ tuyên án.